Nhịp điệu cuộc sống
Đổi thay ở xóm “3 không”
10:54 | 25/02/2014

Sau gần 20 năm, dự án khu biệt thự Tây Nam Thủy Trường quy hoạch treo đã khiến nơi sinh sống của 60 hộ dân thuộc tổ 16A, khu vực 5, phường Trường An, TP Huế (Thừa Thiên-Huế) thành xóm “3 không” (không điện, không nước và không hộ khẩu). Tuy nhiên, nhờ sự giúp sức tận tình của lực lượng Công an phường, bà con đã vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống... 

Đổi thay ở xóm “3 không”
Cuộc sống của người dân ở xóm “3 không” đã thay đổi sau nhiều năm quy hoạch treo.

Một ngày trung tuần tháng Giêng, theo chân các anh Công an phường Trường An, chúng tôi về thăm bà con tổ 16A, khu vực 5, Trường An. Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, nơi người con trai út đang cần mẫn bên chiếc máy xẻ gỗ làm lồng chim, bà Nguyễn Thị Hường (63 tuổi), không giấu được niềm vui: “Cuộc sống của bà con ở đây đã qua thời bĩ cực rồi chú à. Giờ hộ dân nào cũng đã làm được hộ khẩu nên đã vay được vốn để sắm sửa máy móc làm nghề. Vậy mà để có được cái hộ khẩu ấy, chúng tôi đã phải đợi gần 20 năm đấy!”. Bên chiếc bàn gỗ được đặt giữa hiên nhà, bà Hường rót trà mời khách, rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “20 năm chờ... sổ hộ khẩu”.

Bà kể, năm 1993, sau khi chuyển lên vùng kinh tế mới Lương Miêu, thuộc xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, để trồng rừng làm kinh tế nhưng do không hiệu quả nên sau đó, vợ chồng bà đành dắt díu 9 người con trở về đây mua đất, dựng nhà sinh sống... “Lúc đó, cuộc sống nghèo khó nên vợ chồng tui cố gắng làm ăn để nuôi con. Nào hay, phần đất này nằm trong dự án quy hoạch của UBND TP Huế...”, bà Hường nhớ lại.

Theo lời của bà Hường, từ 13 hộ dân chuyển về sinh sống đầu tiên, càng về sau, số người đi làm kinh tế mới ở các nơi trên địa bàn tỉnh, như: Hương Thủy; Phú Vang; Phú Lộc... chuyển về nơi này sinh sống ngày một nhiều. Đến nay, số hộ dân đã tăng lên 64 hộ, với 162 khẩu… Nhưng cũng vì nguyên nhân đó mà các hộ dân gặp nhiều khó khăn, do không thể làm được sổ hộ khẩu.

Ông Lê Hoành Trung, Tổ trưởng tổ dân phố 16A, còn cho biết: “Do không làm được hộ khẩu nên những năm về trước, cuộc sống của bà con khó khăn vô cùng. Không có điện, không có nước sạch để dùng, con em đến trường không có giấy khai sinh... Bà con ở đây chịu cảnh “3 không” như thế suốt gần 20 năm trời, nhưng giờ thì mọi thứ đã thay đổi rồi chú à. Điện đã về từng hộ dân, nhà nào cũng có nước sạch để sinh hoạt... Tất cả cũng nhờ sự quan tâm, nỗ lực giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ Công an phường và chính quyền, đoàn thể địa phương...”.

Trung tá Nguyễn Ngọc Hoát, Cảnh sát khu vực 5, Công an phường Trường An không sao quên được những lần anh và đồng đội lặn lội đi về các địa phương để xác minh lý lịch, nhằm tạo điều kiện cấp hộ khẩu cho bà con ở xóm “3 không”. Anh hồ hởi tâm sự: “Sau nhiều lần về cơ sở, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng cũng như thấu hiểu được nỗi khổ của bà con sống cảnh “3 không” do bị vướng mắc dự án quy hoạch treo, chúng tôi đã đề xuất lên lãnh đạo Công an phường tham mưu cho Ban Chỉ huy Công an TP Huế bằng mọi cách, phải giúp bà con có được cái... hộ khẩu”.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Công, Trưởng Công an phường Trường An cho biết thêm, với sự nỗ lực của đơn vị và các cơ quan chức năng trên địa bàn, giáp Tết năm ngoái, người dân ở tổ 16A, khu vực 5 vui mừng kéo đến trụ sở Công an phường để ký tên nhận sổ hộ khẩu. Từ đó, bà con mới làm được giấy CMND; thi bằng lái xe máy và cả giấy đăng ký kết hôn... dù nhiều cặp vợ chồng đã cưới nhau suốt cả 10 năm trời.

Nhìn cuộc sống của người dân ở xóm “3 không” đã có nhiều thay đổi dù vẫn còn đó những khó khăn, bà Đỗ Thị Thanh Mai, Chủ tịch UBND phường Trường An không giấu được sự vui mừng: “Nhờ lực lượng Công an phường tạo điều kiện để làm hộ khẩu mà đến nay cuộc sống của hàng chục hộ dân ở đây về cơ bản đã được thay đổi. Ngoài làm nghề đạp xích lô, xe ôm... hiện trên địa bàn tổ có khoảng 25 hộ dân đầu tư máy móc hàng chục triệu đồng để sản xuất lồng chim cung ứng ra thị trường, tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho nhiều con em địa phương. Tình hình ANTT nhờ vậy được đảm bảo hơn trước rất nhiều”.

Từ thắp đèn dầu, giờ người dân xóm “3 không” đã có điện dùng, từ nước giếng nhiễm phèn nay đã có nước máy... tất cả đều nhờ sự giúp đỡ tận tình của lực lượng Công an phường Trường An. Trước lúc chia tay, nhiều hộ dân bày tỏ rằng, họ chỉ mong muốn được lãnh đạo thành phố quan tâm, cho chính sách tái định cư tại chỗ để yên tâm tu sửa nhà cửa, ổn định cuộc sống; chứ tình trạng quy hoạch treo cứ kéo dài từ năm này qua năm khác như vậy, bà con lo lắm...

Nguồn CAND
 

Các bài mới
Các bài đã đăng