Nhịp điệu cuộc sống
Kỷ niệm với danh họa Bửu Chỉ trên đất Pháp
10:17 | 17/03/2014

Bửu Chỉ ra đi đã được hơn mười năm. Biết bao bài báo đã viết về ông, một trí thức độc đáo trong làng hội họa. Sinh ra ở Huế, ông là con cụ Ưng Thuyên, cháu thi sĩ Tuy Lý Vương, hậu duệ năm đời vua Minh Mạng, mẹ là bà giáo Nguyễn Thị Trâm rất giỏi tiếng Pháp.

Kỷ niệm với danh họa Bửu Chỉ trên đất Pháp
Bửu Chỉ (thứ 2 từ trái qua)

Một trí thức lớn yêu tự do và yêu nước

Ông tốt nghiệp đại học luật (1971) vào những năm phong trào chống chiến tranh lên cao trước Hiệp định Paris. Là Tổng thư ký Hội Sinh viên Sáng tác Huế, ông là một trong những sinh viên năng động nhất những ngày xuống đường, những đêm không ngủ. Bắt đầu vẽ biếm họa bút sắt mực đen từ thời ấy, ông tiếp tục vẽ trong những năm 1973-1974 nằm tù ở khám Chí Hòa vì tội chống lệnh nhập ngũ và tổ chức nổi loạn, bất phục tùng chính quyền. Ông để lại một tập tranh được vẽ trên các mảnh giấy tố cáo chế độ lao tù, những cánh cửa ngục tù, những bàn tay bị xiềng xích cùng nhau đoàn kết hay những bàn tay bẻ gãy xiềng xích, cùng nhân dân kêu đòi cơm áo, tự do, hòa bình: Ta phải thấy mặt trời, Một tuổi thơ chưa kịp lớn, Các thế hệ đi đầy, Bầy quạ chiến tranh, Người nữ tù. Ông dùng chữ Biểu tượng xã hội (Expressionisme socialiste) để tạm định nghĩa khuynh hướng sáng tác thời phong trào đấu tranh. Trong phong trào ấy, Trịnh Công Sơn và Bửu Chỉ luôn cùng nhau sát cánh. Nếu nhạc sĩ họ Trịnh nổi danh bên phần nhạc phản chiến thầm kín, Bửu Chỉ là người tiêu biểu cho nền hội họa bất khuất sôi nổi. "Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hòa bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt với mực đen. Tranh anh được in trên các tạp chí nước ngoài và gây được một dư luận rộng rãi " (Trịnh Công Sơn).

Ra tù sau ngày 30/4/1975, ông vẽ nhiều tranh sơn dầu, đặc biệt trên bao bố thay vì giấy hay lụa. Cùng với Trịnh Công Sơn, ông chủ trương nghệ thuật trong tự do, nghệ sĩ phải chính mình đến với cuộc đời, trung thực, dũng cảm. Ông hòa nhập vào mạch sống chung của dân tộc, luôn sáng tạo cho quê hương một cội nguồn mãnh liệt, luôn tìm những hình thức mới để hoàn hảo tác phẩm. "Bao nhiêu năng lực thời xưa ông dành bây giờ cho các lớp sơn dày mỏng, các màu sắc đậm lạt, các tia sáng nổi bật trong bóng tối. Ông tham dự nhiều cuộc triển lãm cá nhân hay tập thể với Hoàng Đăng Nhuận, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn tại Huế, TP. Hồ Chí Minh, Hồng Kông, Liên Xô, Paris. Lần lượt anh đảm nhận lãnh đạo Hội Văn Học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế, rồi Bình Trị Thiên, Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Anh là ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Anh có tác phẩm trong Viện bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, Singapore, trong nhiều bộ sưu tập tư nhân ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Sự nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của anh được vinh danh trong Huy chương Vì Sự Nghiệp Mỹ thuật do Hội Mỹ Thuật Việt Nam trao tặng. Trong lôgô Tạp chí Sông Hương hình tượng con chim Phụng hóa thân thành dòng sông Hương Giang, núi Ngự Bình được anh thực hiện, diễn tả tâm tình một người sống lên trên một mảnh đất trữ tình, thơ mộng, một nôi văn chương, mỹ thuật nhưng với một tinh thần bất khuất, một lòng yêu tự do vô bờ.

Bửu Chỉ đến thăm nhà chúng tôi và vẽ: Một kỷ niệm quý giá vô bờ

Năm 1989, Bửu Chỉ được mời qua triển lãm ở Paris vào lúc Hội người yêu Huế đang phát triển rất mạnh, liên lạc văn hóa chặt chẽ với nguồn gốc quê hương. Những bạn trong Hội lần lượt đưa ông đi xem thành phố ánh sáng, xem các cuộc triển lãm, mời ông đi ăn tiệm hay về nhà ăn cơm. Gia đình chúng tôi cũng hân hạnh được tiếp ông một hôm chủ nhật trên đồi Hắc Ký Ni Sơn trong thung lũng Chevreuse, miền Nam Paris. Trời hôm ấy nắng đẹp như để đón chào người khách quý. Ngắm nghía cô con gái út của chúng tôi, hai mươi tuổi xuân xanh, tràn đầy sinh lực, ông đề nghị vẽ cho nó một bức chân dung. Bửu Chỉ đã từng vẽ nhiều chân dung, tự họa cũng có. Một trong những bức đầu tiên nghe nói là dành cho cô Tường Vi, bà vợ tương lai của ông. Bên cạnh vô số những bức vẽ bạn bè, nhiều nhất là những bức vẽ ông bạn Trịnh Công Sơn nhắc nhở những bản nhạc Trăng thiên cổ, Tuổi đá buồn, Một cõi đi về, Chân dung vô thường, Tưởng niệm. Mừng rỡ, chúng tôi nhận lời ngay, chỉ có cháu gái e lệ không muốn nhưng rút cuộc cũng chịu ngồi làm người mẫu. Khi chúng tôi bảo không có dụng cụ hội họa, ông bảo không can chi, giấy gì, viết gì cũng được, ông sẽ ứng biến. Tôi nhớ là trong tù ông đã vẽ nhiều với vật liệu tối thiểu. Thế là với bút viết, vở giấy học trò, ông bắt đầu vẽ ngay trong lúc uống rượu khai vị. Có lúc ông nhúng bút bi vào trong dĩa rượu trắng để làm mực… Anh vẽ không phải một bức mà liên tục năm bức, hai trong thời gian khai vị, hai trong bữa ăn, bức cuối cùng sau bữa ăn. Thật ra, hôm ấy ông chẳng ăn gì nhiều, chúng tôi bỏ nhiều thì giờ nói chuyện và uống rượu.

Bức đầu tiên cũng như mấy bức sau, theo tôi không giống bao nhiêu người mẫu, nhưng thoát ra một vẻ trẻ trung của tuổi dậy thì. Họa sĩ chú trọng nhiều đến cặp mắt linh động nửa Âu, nửa Á nổi bật giữa bức tranh. Trong bức thứ nhất, tóc dài không đen mượt như tóc các cô gái Huế nhưng cũng không vàng óng như tóc mẹ. Cũng dễ hiểu khi là sản phẩm của hai dòng máu Pháp Việt. Bức thứ nhì tương tự bức thứ nhất và như ba bức sau, ông cho thêm màu vàng lên tóc. Hai bức này được thực hiện trên chiếc bàn thấp ở không gian khách. Qua hai bức sau, Bửu Chỉ đẩy dĩa trên bàn ăn sang một bên để có chỗ đặt tờ giấy vẽ. Trong bức thứ ba nhìn nghiêng, tuy vẫn là một người, mẫu trong tranh có phần già dặn hơn, vẻ hồn nhiên của cô gái trẻ phần nào nhường chỗ cho một đôi mắt mơ mộng. Qua bức thứ tư, bộ mặt cô gái hoàn toàn khác, vẻ vui tươi không còn nữa. Chiều sâu đôi mắt và hình dáng đôi môi tỏa ra một nỗi buồn thầm kín. Có thể lúc này tác dụng của mấy ly rượu đỏ Bordeaux tiếp sau mấy ly rượu khai vị Martini bắt đầu có ảnh hưởng lên cách vẽ. Tay không run nhưng tâm trí họa sĩ có thể đã được chuyển qua một không gian khác. Bửu Chỉ như tuồng không còn nhớ mình đang ngồi với bạn bè bên phương trời Tây. Và vào cuối bữa ăn, thêm vào một vài ly rượu tiêu cơm Cognacq, cô gái trong bức thứ năm không còn là cô thiếu nữ trẻ trung lúc ban đầu nữa mà là một thiếu phụ tóc đen, má hõm, mắt cúi nhìn xuống dưới, miệng hé mở, bộ mặt thầm lặng, nếu không đau khổ thì cũng là ở một trạng thái suy nghĩ sâu kín. Anh bạn Đào Hùng có mặt hôm ấy vui vẻ thả một câu bình bông lơn: Bửu Chỉ vẽ con anh mà nghĩ đến một cô nào đó ! Bửu Chỉ không phản ứng, trầm ngâm như đang sống lại một giấc mơ….Chúng tôi đều lặng thinh một hồi, tôn trọng sự định tâm của ông.

Không biết gì về ngành hội họa, tôi chỉ là một người ngồi xem vẽ tranh, thấy thích thú khi theo dõi các trạng thái khác nhau của một bức chân dung. Bửu Chỉ từng có bức vẽ "Không tên”, những bức tranh vẽ ở nhà tôi hôm ấy có thể gọi là "Không tuổi”. Gia đình chúng tôi công bố mấy bức vẽ này không ngoài ước mong góp phần dù rất nhỏ vào bộ sưu tập tranh phong phú của nhà họa sĩ trứ danh đất Hương Bình ngày nay rải rác khắp bốn phương. Bửu Chỉ qua đời năm 2002, (thọ 54 tuổi) sau một cơn huyết áp cao tại nhà riêng ở Huế. "Tôi vẫn sẽ sống như tôi đã sống”: đấy là những lời cuối cùng ông trả lời câu hỏi nếu có một đời sống khác thì anh sẽ chọn lựa như thế nào. Ta có thể hiểu anh đã tự mãn về cuộc sống của mình.

Theo Đại Đoàn Kết

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng