Nhịp điệu cuộc sống
Ở nơi mái ấm yêu thương
14:43 | 18/03/2014

Chắc hẳn, nhiều người đã như tôi trong đời, khi đặt chân đến Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Sơn Ca, Kim Long (TP. Huế) sẽ phải suy ngẫm về sự hy sinh. Vì không thể đếm được biết bao lần các nữ tu Công giáo ở nơi này giang tay đón lấy những thân phận bé nhỏ bị bỏ rơi vì nghèo đói, bệnh tật mà không phân biệt tôn giáo, vùng miền…rồi nuôi nấng chúng thành người tử tế.

Ở nơi mái ấm yêu thương
Sơ Nguyễn Thị Tịnh và các em tại trung tâm Sơn Ca

Cho đi để nhận lại

Chúng tôi đến Cô nhi viện Sơn Ca ở 22/3, Vạn Xuân, Kim Long vào một sớm đầu xuân. Tiết trời tháng 3 ở Huế giăng mắc mưa bụi khiến quang cảnh Trung tâm càng thêm vẻ trầm mặc. Đứng trước cơ ngơi khang trang này, ít ai biết được cách đây 10 năm, nơi này là một mảnh đất chết- một khu nghĩa trang cô quạnh của trẻ sơ sinh không gia đình. Sau rất nhiều nỗ lực, sơ Vũ Thị Thọ - Giám đốc trung tâm đã vận động nhà nước và các mạnh thường quân chung tay di dời nghĩa trang về nơi khác và xây dựng ngay trên mảnh đất này một ngôi nhà lớn cho những đứa trẻ cơ nhỡ, khuyết tật không nơi nương tựa được học hành, vui sống. Chỉ tiếc là ngày chúng tôi đến lại không gặp được sơ Thọ vì bà bận đi công tác ngoài Hà Nội.

Tiếp chuyện chúng tôi lúc này là một người phụ nữ  đã ngoài 70 tuổi, sơ Nguyễn Thị Tịnh, phó giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Sơn Ca. Lẽ thường, là người, ai cũng mong muốn một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc nhưng với sơ Tịnh, hẳn là chưa một lần ta thán về những việc bà đang làm, dù với bà đó là định mệnh nhưng với người đời đôi khi là chuyện chẳng bao giờ có thể nghĩ tới.

Tôi lặng lẽ chiêm ngắm khuôn mặt dịu hiền ấy khi bà hồ hởi nói với chúng tôi về đàn con nhỏ- lũ chim sẻ đáng yêu ở Cô nhi viện Sơn Ca này. Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện. Câu chuyện nào cũng đẫm nước mắt. Nhưng thảng nhiên, tôi lại không tìm thấy bất cứ nhọc nhằn nào trong khóe mắt già nua ấy mà chỉ là cái nhìn quá đỗi trìu mến. Trong giây lát, bà khiến tôi chợt nhớ đến mẹ của mình.

Bà trải lòng cho những công việc mà bà cũng như các sơ ở nơi này đang làm là một cách để cho đi. Cho đi để nhận lại, cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng với bất kỳ ai. Chúng ta thường suy nghĩ trước khi làm một điều gì đó phải có lợi cho bản thân, sau đó mới cân nhắc quyết định có nên làm hay không. Nhưng sẽ thật tẻ nhạt nếu như ta chỉ nghĩ cho riêng mình, trước khi muốn nhận được một điều gì tốt đẹp, chúng ta phải học cách cho đi. Vì thế, bài học đầu tiên mà các sơ dạy lũ trẻ khi chúng đặt chân tới nơi này là bài học ứng xử, làm người.

65 đứa trẻ đến với trung tâm này, mỗi em có số phận khác nhau, có em mồ côi, bị bỏ rơi, có em bị tâm thần, bại não, em có bố mẹ bị nhiễm HIV, lại có em bị câm điếc, có em vào trung tâm khi đã biết ăn biết nói, nhưng cũng có nhiều đứa trẻ hãy còn đỏ hỏn…Thế nhưng các sơ đều xem chúng như những đứa con, cháu ruột thịt, tận tình chăm sóc, dạy bảo.  20 năm đằng đẵng trôi qua, cuộc sống ở sau cánh cổng cô nhi viện này đã thực sự trở thành một nơi chốn ấm áp cho những mảnh đời cơ nhỡ. Ở đó, niềm tự hào hơn cả là đã đào tạo được một số em thi đỗ vào đại học, có em đỗ thủ khoa tiếng Pháp toàn tỉnh như em Vũ Thị Hồng Ân, có em đỗ vào trường Đại học Y Huế. Riêng trong năm 2013, có 3 em đỗ đại học, 3 em vào học tại các trường cao đẳng.

Ngôi nhà của nhiều cuộc đời

Tôi rất ấn tượng với cô gái Trần Thị Vy (26 tuổi), có đôi mắt to tròn, nụ cười tươi rói, lanh lẹn dẫn tôi tới phòng may đo của trung tâm rồi bê ra một đống áo váy, chiếc nào cũng xinh xắn. "Đây là xấp quần áo em đang may cho các em ở trung tâm chuẩn bị đi biểu diễn văn nghệ đấy”, Vy hồ hởi khoe tác phẩm của mình. Rồi cô lại ngồi ngay xuống chiếc máy khâu, tay miết vải, chân đạp máy, tạch tạch tạch, đường kim, mũi chỉ thẳng thớm, chỉ trong một loáng, chiếc cổ áo đăng ten đã hoàn thành.

Nhìn cô gái đang tuổi thanh xuân ấy, ai mà biết được em đã bị "để quên” trước cửa cô nhi viện này từ lúc hơn 2 tuổi. Sơ Tịnh nhớ lại, ngày Vy mới vào trung tâm, thể trạng rất yếu, các sơ phải chắt chiu từng bình sữa, hạt cơm, đôn đáo thuốc thang…cô bé mới dần hồi phục, rồi hòa nhập và trưởng thành.

Theo sơ Tịnh, với những em gái trưởng thành, nếu như gia đình họ hàng ở quê muốn đưa các em về để lập gia đình, trung tâm luôn tạo điều kiện, còn với những em chưa có gia đình, hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang đi làm mà chưa có chỗ ở trung tâm vẫn có phòng dành cho các em. Trung tâm đã dành hẳn tầng 4, chia ra thành nhiều "căn hộ” nhỏ trang bị đầy đủ trang thiết bị cá nhân, từ những thứ nhỏ nhất.

"Chúng lớn rồi, phải cho chúng một không gian riêng và trang bị những thứ nhỏ nhất như gương lược. Con gái mà, cũng phải biết làm điệu chứ”, sơ Tịnh chia sẻ những điều mà tôi tin rằng bất cứ người mẹ nào cũng sẽ quan tâm tới con gái của mình như thế khi đến tuổi trưởng thành.

Còn với riêng Vy, cô đã coi đây là ngôi nhà của đời mình và chỉ có một mong ước được ở lại đây mãi mãi để giúp bà và các sơ chăm sóc những em bé có hoàn cảnh khó khăn.

Những mạch nối yêu thương

Đi một vòng trung tâm, trong mỗi một phòng, một phần việc lại thấy có người phụ giúp cho các sơ. Họ đều là những người đã từng lớn lên ở cô nhi viện này, những người khuyết tật, không có công ăn việc làm, hàng ngày sáng tối đều đặn trở về đây giúp các sơ dọn dẹp, giặt giũ quần áo cho lũ trẻ. Với chị Hằng, cô đầu bếp của trung tâm lại là một hoàn cảnh khác. Cuộc sống quá cơ cực khiến chị không thể nuôi nấng 3 đứa con, đành gửi cả vào trung tâm này để được các sơ dạy dỗ, cho đi học. Đổi lại, hàng ngày, chị giúp các sơ chuẩn bị những bữa ăn giầu chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh cho lũ trẻ. " Cảm ơn các sơ đã tạo điều kiện để mẹ con tôi có một cuộc sống yên ổn. Giờ, tôi không chỉ có 3 đứa con ở đây mà là mấy chục đứa lận”, chị Hằng chia sẻ.

Lũ con mà chị Hằng vừa nhắc tới đã ào ào trở về sau buổi tan trường. Ai cũng có cảm giác các em giống nhau như những giọt nước, khỏe mạnh và rắn rỏi. Kể cả em Nguyễn Thị Thanh Mai (6 tuổi), được đưa vào trung tâm khi bố mẹ đều qua đời vì căn bệnh HIV. "Thật may mắn Mai không bị nhiễm bệnh. Năm nào chúng tôi cũng phải đưa cháu đi xét nghiệm. Con gái nhưng cũng nghịch ngợm ra trò đấy cô ạ”, sơ Tịnh vừa ân cần xoa đầu Mai vừa nói.

Chia tay mọi người trong Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Sơn Ca không ai trong chúng tôi có thể cầm được nước mắt. Chỉ có thể là tình yêu vô bờ bến mà các sơ đang dành dụm để hy vọng bù đắp phần thiệt thòi cho các em. Và cũng bởi tấm lòng nhân hậu ấy đã truyền cảm hứng, nhấn tiếp những mạch nối yêu thương để lũ trẻ này lớn lên lại đùm bọc yêu thương lũ trẻ khác mới đến.

Yêu thương luôn là mạch nguồn của cuộc sống. Mái ấm yêu thương này vẫn đang cần lắm sự chia sẻ nhiều hơn nữa từ cộng đồng.

 

Nguồn Đại Đoàn Kết

 

Các bài mới
Các bài đã đăng