Khi những giọt sương sớm vẫn còn đang vấn vít trên đại ngàn Trường Sơn thì những đôi chân trần bé nhỏ của các em học sinh người Pa Cô, Vân Kiều huyện miền núi A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế đã theo bố mẹ lên rẫy, lên nương. Phận du mục của những con người sống trên "nóc nhà Trường Sơn” khiến việc học tập của con em họ gặp muôn vàn khó khăn.
Du canh, du cư vùng giáp biên
Xã A Đớt (huyện A Lưới) có 3 thôn giáp với biên giới Việt- Lào là A Tin, Chí Hòa, La Tưng với khoảng 200 hộ dân sinh sống. Dù đã "định cư” ở Việt Nam, nhưng những khoảnh nương rẫy gắn bao giọt mồ hôi của hàng chục hộ dân ven biên giới Việt- Lào vẫn được đầu tư, chờ ngày thu hoạch.
Nhấp ngụm rượu Kê Un (làng A Tin) kể về cuộc du canh của gia đình mình với những ngồn ngộn ký ức về nương rẫy. Năm 1997, bố anh là Kê Tia dẫn mẹ là Kăn Pling và mấy anh em sang khoảnh đất bên dòng sông A Sáp (huyện Ka Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) để phát nương làm rẫy, trồng khoai sắn. Lúc đó Kê Un cũng mới 17 tuổi, bàn chân cũng chưa quen lắm với việc đi rừng. Cuộc sống như "người rừng” với muôn vàn khó khăn. Ban đầu, cả gia đình qua đây phải cắt cây tranh lợp mái nhà, chặt cây làm cột, chẻ tre lồ ô làm phên che chắn. Mang theo cho cuộc hành trình kiếm vùng đất mới chỉ là nhưng đọt khai, củ sắn, hạt ngô làm giống.
Trước đây, gia đình anh ở thôn Pa e (xã Nhâm, huyện A Lưới), thiếu đất sản xuất, nương rẫy đường xa. Bố anh bảo cứ như thế này thì 4 người con trai không biết lấy gì mà ăn cho qua ngày tháng. Những triền đồi hai bên dòng sông không phải bố Kê Un là người "phát tích” đặt nhát cuốc đầu tiên mà trước đó, hàng chục hộ dân sống ở giáp biên đã ra đây phát rẫy làm nương. Những ngày đầu, nguồn lương thực mang theo cứ cạn dần nhưng điều đó không đáng sợ bằng những cơn gió hoang hoải miền biên ải khi cả gia đình chỉ mang được mấy bộ áo quần. Thế nên cứ trời mưa ướt, họ tắm dưới sông, mang quần áo đi giặt rồi ngâm mình, đợi trời nắng cho khô mới có mặc. Sau này, bố anh là Kê Tia đã "phát minh” ra một loại "áo quần” mới là dùng vỏ cây A Mâng giả mịn, quấn quanh người thay cho quần áo.
Kê Un bảo, hồi ở bên đó, đường sá chưa có, cả năm gia đình mới về lại ở thôn Pa e một lần. Trong ký ức của Kê Un, mỗi trận sốt rét rừng đi qua với những đêm dài nằm nghe tiếng côn trùng, thú dữ hú gọi mà kinh hoàng. Với những người du canh tìm vùng đất mới như gia đình Kê Un, không có khái niệm ốm đau, bởi ốm đau chỉ có đường…chết. Cái chết của anh trai Kê Un là Pờ Lau đã trở thành nỗi ám ảnh cho cả gia đình. Hồi đó Pờ Lau là lao động chính trong nhà, sau buổi đi rẫy về người anh nóng hầm hập, hai mắt nhắm nghiền. Gần một tuần uống thuốc từ rễ, lá cây mà bệnh không bớt. Hoảng quá, cả gia đình băng đường rừng đưa anh ra bản Ka Lô (huyện Ka Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) nhờ dân bản và bộ đội biên phòng cứu giúp nhưng đã quá muộn. Sau khi bố Kê Un mất, cả nhà kéo nhau về A Đớt. Thế nhưng những cuộc đi rừng vẫn tiếp diễn bởi nương rẫy khai hoang một thời không bỏ đi được.
Không chỉ tìm vùng đất mới, nhiều cư dân sống sát biên giới xã A Đớt cũng tìm kiếm vận may giữa núi rừng theo những cuộc đào đãi vàng sa khoáng. Pờ Loang Cộc (thôn Chí Hòa), nhờ cuộc tìm vận may mà có được vợ nhưng cũng nếm đủ mùi đắng cay giữa chốn rừng thiêng. Ngồi trò chuyện Pờ Loang Cộc bảo, hồi đó khốn cùng, mình ỷ vào sức trẻ mới đem gửi thân giữa chốn rừng thiêng. Năm 1990 mình theo đám bạn qua đồi Pờ Le (huyện Ka Lừm) đào đãi vàng rồi gặp vợ mình là A Vô A Châm (người Lào) đến đây làm nương rẫy. Sáng tối gặp nhau, chia từng củ sắn qua ngày để rồi yêu nhau, từng đứa con cũng ra đời theo mỗi mùa nương rẫy. Núi rừng không ưu đãi mãi, sau một thời gian đào đãi, Pờ Loang Cộc đã về thôn Ta Vàng quê vợ sinh sống.
Nuỗi buồn theo con chữ
Kéo theo những cuộc du canh của tộc người Pa Cô, Tà Ôi là những đứa trẻ Việt nói thông thuộc tiếng Lào như tiếng mẹ đẻ nhưng lại không thuộc con chữ. Những thế hệ như Kê Un và hai người em Kê Ót, Kê Ái không có được con chữ đã đành, những người con của họ cũng không được mấy người biết chữ. Sinh ra giữa chốn rừng hoang vu, đa phần những đứa trẻ đều không được đến trường. Kê Un bảo: "Hồi đó bố mình cũng muốn con cái đi học lắm nhưng không có điều kiện. Nếu về A Đớt phải mất 2 ngày đi đường rừng, đường sá quá xa xôi. Chỉ còn cách cho con em qua bản Ka Lô học cùng con em bạn Lào, nhưng cũng chẳng được mấy bữa vì mình không có đủ tiền”.
Kê Un cũng có 3 người con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ cũng đã đến tuổi vào lớp 1 nhưng vẫn không được đến trường. Trong nhà có được 5 sào ruộng, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. "Mình muốn được nhập hộ khẩu, con cái có giấy khai sinh để được đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Đời mình theo bố mẹ đi nương rẫy đã không được học hành, giờ không muốn lũ trẻ cũng như mình, nhưng lực bất tòng tâm.
Khổ nhất là do không biết chữ nên nhiều lúc cái khó bó cái khôn. Làm gì liên quan đến giấy tờ đều nhờ cán bộ xã sang nhà "dịch” cho. Như Pờ Loang Cộc có cả thảy 4 người con, đều được sinh ra trong chuyến làm vàng bên đất Lào. Dù đã qua lại Việt Nam hơn năm nay nhưng tiếng Pa Cô dân tộc mình các con của Pờ Loang Cộc nói còn chưa rành rẽ huống chi tiếng Kinh. Đứa con trai út là Pờ Loang Mỹ dù đã 14 tuổi nhưng cũng không được đến trường ngày nào. Mỹ phải ở nhà giúp bố mẹ quần quật với 3 sào ruộng nước. Đến mùa đốt nương rẫy, trồng khoai sắn thì theo bố mẹ qua lại đồi Pờ Le sinh sống.
Ông A Viêt Bàn- Trưởng thôn A Tin cho biết: "Do đặc thù các thôn nằm phân bố giáp biên giới Lào nên từ nhiều năm nay, tình trạng người dân du canh qua lại diễn ra khá phổ biến. Đa số các hộ dân đều là hộ nghèo, có gia cảnh khó khăn. Việc làm nương rẫy, cuộc sống không ổn định, nên con cái không được đến trường, không nhập được hộ khẩu.”
Nguồn Đại Đoàn Kết