Trịnh Công Sơn, hoài niệm về Diễm xưa: "Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng..."
"Về trong phố xưa tôi nằm"
Tôi đã có nhiều đêm nằm trong lòng Huế, để cho xứ sở của những thành trì cổ kính, trầm mặc và u hoài ấy nhắc nhở tôi trở lại nhiều và nhiều thêm. Có những đêm mưa rả rích không ngừng, đứng từ bờ Đập Đá nhìn ra Kỳ Đài, thấy lòng mình hiu quạnh như dòng sông mùa nước lũ.
Lại có những trưa hạ trắng, tiếng ve sôi trên vòm lá xanh, "một loài hoa chợt tím" buông mình cho dòng Hương Giang thả trôi, tôi cũng thả mình theo gió, men theo lối đi nơi những hàng cây chụm đầu vào nhau tháng tháng ngày ngày, kể hoài một nỗi trầm luân rất Huế. Hàng cây ấy dẫn tôi đi đến trường Quốc Học, nằm kế bên trường Nữ sinh Đồng Khánh xưa - nay đã đổi tên. Bất giác tôi đi theo con đường nằm giữa hai dãy tường sơn đỏ, hè phố trải cỏ xanh non.
Tôi muốn cảm nhận bước chân của những cô học trò trường Đồng Khánh khi xưa, "cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc". Và tôi biết một điều, con đường ấy sẽ đưa tôi đến nhà Người, căn gác không bao giờ khép cửa, "căn nhà của những gã lang thang". (Văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Ai cũng biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, nhưng có lẽ với Người, đó chỉ là chốn "ở trọ", chỉ có Huế mới là "một cõi đi về" để người con cố quận mang theo nỗi niềm yêu say đắm khôn nguôi, trăn trở suốt cuộc đời:
"Khi bạn có một xứ sở để trở về hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn còn có hạnh phúc nhiều lắm. Ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu. Bạn sẽ gặp một cô gái Huế bất chợt trên đường và hỏi rằng: Huế bây gờ có gì lạ không em? thì lập tức, hoặc tình cờ cô gái ấy sẽ đọc lại hai câu thơ của Bùi Giáng:
"Dạ thưa phố Huế bây giờ/ Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương"
Tôi thấy cả một trời Huế trở mình trong con mắt kẻ tình si khi đứng ngoài hiên vắng nhìn ra nhà thờ Phủ Cam, với cây cầu nhỏ bắc ngang dòng sông An Cựu, dẫn lối tới "con đường nằm nghe nắng mưa" dưới hàng cây long não lá lao xao suốt mùa thuở ấy.
Tôi soi mình trong bóng nắng hắt qua song thưa, trên bức thư tình Người gửi từ B'lao về Huế cho người con gái của con đường Phượng Bay năm nào. Cuối cùng, đặt bước chân lên căn gác đìu hiu, bất giác tôi ngân nga dăm ba điệu nhạc như "tiếng hát xanh xao của một buổi chiều" bởi một lẽ rất ngây ngô: "đời ta có khi từ lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do", thế rồi Huế đổ một trận mưa rào xuống lòng tôi. Người nói "có đôi khi nắng buồn hơn mưa", còn tôi vừa chợt thấy cả một mùa hạ trắng trong cơn mê chiều trời mưa không dứt, có lẽ nắng vẫn buồn hơn mưa như thế.
"Chiều trên quê hương tôi"
Có rất nhiều buổi chiều đã đi qua trên quê hương này, để mỗi giọt nắng chia tay một ngày bằng những tiếng cười trong veo trên đôi môi hồng đào và tà áo lụa thinh không của nữ sinh trường Đồng Khánh, để hương cốm sữa thơm bước chân qua chiều Hồ Tây mùa thu mời gọi, để cho chim hót chuyện tình khi chiều xuân Sài Gòn chưa hết nắng.
Tôi thấy Trịnh Công Sơn viết về Sài Gòn, về Hà Nội thật dung dị, đẹp và lạ. Còn lạ hơn khi tôi ít thấy Người nhắc đến Huế trong những khúc ca, dẫu nặng lòng tha thiết với quê hương. Tôi vẫn tin vậy, cho tới khi gặp Huế.
Chỉ có ở Huế người ta mới đi "qua phố", đi qua cây cầu Trường Tiền đến với hơi ấm của những nơi hò hẹn, để sự đông vui của phố xá che bớt đi nỗi hiu quạnh, phân ưu của lòng mình. Chỉ ở Huế mới có con đường Đoàn Thị Điểm nhỏ xinh, nơi sắc sen hồng ánh lên trong màn mưa Thành Nội, nơi mỗi con gió qua làm lá "phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau".
"Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng.
Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực" (Trịnh Công Sơn, hoài niệm về Diễm xưa).
Dù không một lần nhắc tới Huế trong ca từ nhưng "thành phố nhớ" vẫn phô mình như triển lãm về cuộc đời trong suốt những sáng tác của Trịnh Công Sơn. Huế có khi là "trái bí" trên vai mẹ già mắt còn ngẩn ngơ khi dừng chân phố thị, là "ghế đá công viên rời ra đường phố", là "lời ca dạ lan như ngại ngần", là thành trì, là vườn khuya, là cây cầu nhỏ bắc ngang dòng sông "bỗng giờ đây đã khô không ngờ", là chân núi Ngự với "tiếng gà trưa gáy khan bên đồi"...
"Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài gòn và Hà nội. Tôi thấy đâu cũng là quê nhà, ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào nữa. Nhưng ngẫm cho cùng, thì Huế vẫn là quê nhà của tôi, và ngày nào Huế chưa phụ bạc tôi, thì tôi vẫn là đứa con không bị từ chối của Huế." (Trịnh Công Sơn, Huế, 2000)
Tôi trở lại Huế như gặp lại cố nhân, ngồi bên dòng sông lững lờ chảy trôi ngày ngày tháng tháng, dòng sông ấy dễ đã mấy trăm, mấy nghìn tuổi mà cuộc đời tôi và thân phận này hữu hạn vài chục năm.
Những phân ưu về đời mình nhỏ bé quá, và chiều nay bên dòng sông Hương êm đềm thơ mộng, tôi thả xuống những thất vọng, hoài nghi, chỉ biết rằng "Sống trong đời, ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để... gió cuốn đi."
Xa Huế, tôi một mình đến với những ngày rong chơi trên thành phố mới, một mình chạy xe vào lòng đèo, tự nói với mình bằng một giọng Huế nhu mì: "Qua đèo Hải Vân nhớ cột tóc, kẻo gió bay nghe em".
Nguồn Motthegioi.vn