Nhịp điệu cuộc sống
Tháng tư nhớ Trịnh
16:38 | 01/04/2014

Trưa ngày 1/4/2001, nhà thơ Thạch Quỳ ở Vinh vào chơi, cùng các nhà thơ Mai Văn Hoan, Phương Xích Lô uống rượu tại nhà tôi. Câu chuyện bên chiếu rượu của chúng tôi hôm đó chỉ bàn về một thế hệ người Huế tài hoa nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỷ trước như Trịnh Công Sơn,  Đinh Cường, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Trần Quang Long...

 

Tháng tư nhớ Trịnh

Thế rồi tối hôm đó, Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ  tài hoa của đất nước, người con thân yêu của Huế đã về với cát bụi!   Suốt đêm 1/4 và ngày 2/4, hầu như cả thành phố Huế mở nhạc Trịnh. Mới hôm nào đây anh Sơn ra Huế, nâng cùng bạn bè chén rượu. Tôi ôm eo anh nâng lên xem anh độ bao nhiêu ký. "Ôi, sao anh nhẹ như xốp thế này". Anh bảo:"Mình bây giờ là hư vô!"...

13 năm Trịnh Công Sơn về "với cát bụi" , đã có hàng chục cuốn sách viết về anh, trong đó có tập bút xuất sắc "Cây đàn lia của Hoàng tử bé" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.  Gần đây bà Dao Ánh cũng đã cho công bố cuốn sách gồm hơn 320 bức thư tình mà Trịnh gửi cho bà. Âm nhạc Trịnh vẫn ngày càng lay động chiều sâu tâm thức con người. Người Việt, từ già đến trẻ không ai không biết nhạc Trịnh, không gia đình nào không có trong nhà một băng đĩa nhạc Trịnh...

Không chỉ ở Việt Nam, âm nhạc Trịnh Công Sơn ngày càng chinh phục thế giới. Ngay từ năm 1972, Trịnh Công Sơn đã được Đĩa Vàng ở Nhật Bản thu âm bài Ngủ đi con, trong Ca khúc Da vàng, qua giọng hát Khánh Ly, phát hành trên 2 triệu đĩa. Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển Bách khoa Pháp "Encyclopédie de tous les pays du momde". Hiện nay nhạc Trịnh đã có mặt tại nhiều nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ...Có một chàng trai người Đức mang họ Trịnh luôn cùng bạn bè hát Trịnh Công Sơn; Có một cô gái Nhật Bản năm nào cũng sang Việt Nam để viếng mộ Trịnh; có nhà nghiên cứu phương Tây John C. Schafer cũng đam mê viết cuốn sách  Hiện tượng Trịnh Công Sơn...

Đặc biệt, ngày 3/2/2004, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã công bố "Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới" (WPMA). 6 tên tuổi âm nhạc nổi tiếng thế giới được giải thưởng lần này là Bob Dylan, Conuntry Joe & the Fish, Hary Belafonte, Joan Baez, Peter, Paul & Mary và Trịnh Công Sơn. WPMA tôn vinh những người đã đem âm nhạc của mình cống hiến cho cuộc đấu tranh vì hòa bình và nhân đạo trên thế giới.

Đây là sự kiện âm nhạc quốc tế lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay! Nhưng phải nói dòng ca khúc phản chiến, ca khúc vì hòa bình của Trịnh Công Sơn đã góp một sức nặng lớn lao trong cuộc chiến đấu của nhân dân ta vì hòa bình và thống nhất Tổ Quốc. Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: "Từ năm 1966, trong vòng 10 năm, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến duy nhất  ở miền Nam. Nhạc sĩ yêu nước thì có nhiều người, nhưng nhạc sĩ phản chiến duy nhất chỉ có một ".

Nhiều năm sau hòa bình, Trịnh Công Sơn vẫn ám ảnh về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình. Ca khúc Huyền thoại me là một trong những bài hát hay nhất về mẹ anh hùng trong  cuộc  chiến đấu, hy sinh của dân tộc ta vì hòa bình và thống nhất đất nước. Trịnh Công Sơn kể với chúng tôi trong một cuộc rượu ở Huế rằng: "Dạo mình ra Quảng Bình, được nhìn bức ảnh mẹ Suốt tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn, rồi kết hợp với những thực tế cùng những câu chuyện nghe được, tôi đã viết bài hát... "Huyền thoại Mẹ".

Sau giải phóng, Trịnh Công Sơn viết ca khúc "Em ở nông trường ra biên giới" động viên sinh viên học sinh miền Nam đi đào mương, làm thủy lợi. "Nhớ mùa thu Hà Nội" là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội;...Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn là những áng thơ tuyệt tác. Đó là nhận xét của rất nhiều người. Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến gọi ca từ  của bài hát  Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ XX.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, sau khi Trịnh Công Sơn mất đã biên soạn tập sách dày hơn 600 trang Trịnh Công Sơn- Một người thơ ca, một cõi đi về  (sau tái bản  đổi  thành Một cõi Trịnh Công Sơn), đã chọn trên 60 ca từ của Trịnh, in thành những bài thơ. Cách làm đó làm cho độc giả dễ nhận ra chất thơ bi tráng và sâu thẳm trong ca từ của Trịnh. Trịnh Công Sơn có hàng ngàn câu thơ viết ra từ cõi tâm linh, từ sự chiêm cảm của kiếp người. Ca khúc Trịnh là thế giới hiện sinh, cũng chính là tư tưởng Phật Giáo hiện hữu trong máu của anh. Huế là đất Phật. Trịnh bảo: "Huế và đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của tôi'.

Năm 1976, tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi về Huế gia nhập đội quân văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên. Mặc dù đã hát nhạc Trịnh Công Sơn suốt 4 năm trời ở rừng miền Đông Nam Bộ, nhưng lúc ấy tôi mới được làm quen với anh. Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ nhất, Trịnh Công Sơn làm nhiệm vụ thu tem phiếu lương thực và ghi tên đại biểu. Đó là công việc "hành chính" đầu tiên của anh ở cơ quan Hội.
Anh tươi cười bắt tay từng người, đeo kính cận dày cộp ngồi đếm đi đếm lại từng ô tem phiếu, vì thời bao cấp ấy, thiếu tem phiếu thì không thể nào bù được, không thể báo cơm ở khách sạn cho đại biểu được! Rồi anh cùng cơ quan lên Bình Điền, Cồn Tiên (Quảng Trị) cuốc đất trồng sắn, khoai. Đất đồi thì cứng, thân anh thì mảnh mai, gầy yếu, cuốc được một ngày anh phồng rộp cả bàn tay. Vậy mà anh vẫn vừa làm vừa hát. Anh còn đi tham gia lao động tại công trường Nam Thạch Hãn... Không việc gì anh không làm. Nhưng thời gian đó, dường như anh viết nhạc ít đi.

Sau này tôi thường lui tới căn hộ chung cư của Hoàng Phủ Ngọc Tường  ở đường Nguyễn Tường Tộ, bên bờ An Cựu, gần nhà thơ Phú Cam. Đây là căn nhà Trịnh Công Sơn đã ở trong thời gian dài trước khi chuyển vào Sài Gòn. Sau đó nhà được phân cho vợ chồng nhà thơ Hoàng phủ Ngọc Tường. Khi họ chuyển vào Sài Gòn, ngôi nhà trở thành Gác Trịnh, là nơi triển lãm, sinh hoạt âm nhạc của thanh niên trí thức Huế...

Đứng bên ban công Gác Trịnh dưới hàng long não, nhìn ra bờ sông, Thánh đường Phú Cam trong chiều sương tím Huế, nghe âm hưởng của cây lá, của gió, của sông, của bước chân con gái đi bộ qua đường... tôi nhận ra đây chính là giai điệu Trịnh Công Sơn! Trịnh Công Sơn đã viết hàng trăm ca khúc ở căn phòng này. Lần ra Huế dự "Đêm nhạc Trịnh Công Sơn quyên góp tiền giúp trẻ em nghèo học giỏi", Sơn nâng cùng anh em chén rượu Chuồn, tâm sự:  "Trong lời bài hát của mình không có một từ nào về các địa danh của Huế, nhưng toàn bộ âm nhạc của mình chính là Huế đấy, Huế của kiếp người...". Vâng, hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn để lại là một phần của Di sản văn hóa Huế...

 

Theo Ngô Minh (CAND)

Các bài mới
Các bài đã đăng