Gặp lại Nguyễn Văn Duy trong lễ phát động hưởng ứng tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người với chủ đề “ Giáo dục và khuyết tật” tại thành phố Huế tôi thật sự bất ngờ.
Vẫn như ngày nào, chàng thanh niên 31 tuổi khiếm thị bây giờ đã là Chủ tịch Hội người mù huyện A Lưới hoạt bát, năng động. Biết trân trọng việc học và dành tình thương yêu của mình để sẻ chia tình cảm cho những người bất hạnh, dũng cảm vượt qua nỗi đau thực hiện ước mơ học tập để thay đổi cuộc đời.
Xen lẫn trong câu chuyện của Duy những hồi ức về tuổi thơ, về 3 năm học tại Trường THPT Hai Bà Trưng khiến các bạn trẻ vô cùng thán phục.
Duy tâm sự: Để có được những thành quả như ngày hôm nay ngoài cố gắng biết vượt qua mặc cảm của người khiếm thị, còn có sự động viên, dìu dắt của các thầy cô giáo ở Trung tâm Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Khoa học Huế và đặc biệt là Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) nơi Duy đã có những năm học THPT tràn đầy kỷ niệm ngọt ngào.
“ Hồi nớ (đó) may mắn em được cô Ngọc Diệp và các cô giáo trong trường Hai Bà Trưng rất thương, nên đã tạo điều kiện cho việc học tập của em tiến triển tốt. Duy không cảm thấy bị mặc cảm khi học chung với các bạn cùng trường.
Chính tình thương yêu của các bạn và thầy cô trường THPT Hai Bà Trưng đã chấp cánh ước mơ cho mình trở thành sinh viên ngành công tác xã hội (năm 2006 - 2010) trường ĐH Khoa học Huế rồi sau đó Duy đã lấy được tấm bằng cử nhân Luật”.
Dựa theo kinh nghiệm được đúc rút từ bản thân, Duy muốn chia sẻ các bạn người khuyết tật đó là hãy biết trân trọng cuộc sống, đừng bao giờ bi quan trước mọi hoàn cảnh.
“Mặc dù là người khiếm thị, nhưng bản thân mình cũng đã từng làm đủ nghề để nuôi sống cho bản thân và bổ trợ cho việc học. Các bạn trẻ hãy cố gắng học tập và tận dụng cơ hội. Học tập chính là con đường ngắn nhất giúp người khuyết tật có thể hòa nhập nhanh vào xã hội” - Duy kể.
Cũng như biết bao bạn trẻ khuyết tật, sự mặc cảm tự ti về bản thân cùng với những thiệt thòi về hoàn cảnh gia đình đã trở thành “vật cản” dẫn đến việc tiếp cận giáo dục hiện đại, bình đẳng cho người khuyết tật chưa được phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội.
Nhiều học sinh khuyết tật, khiếm thính là những người luôn “có một nỗi cô đơn riêng”, vì lẽ đó những người có trách nhiệm trong xã hội, cần lắng nghe, hiểu rõ tâm sự của các em. Từ đó có các phương pháp giáo dục, định hướng việc làm chon các em được hợp lý hơn.
Trong lễ phát động tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người, trong số hàng trăm học sinh khuyết tật đến tham dự, tôi thật sự cảm động khi thấy một sinh viên bị xương thủy tinh tự tin khi đến hội trường khách sạn Mường Thanh bằng chiếc xe gắn máy 3 bánh tự chế dành riêng cho mình.
Nếu không được cô Ngọc Diệp - Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Hai Bà Trưng - giới thiệu chắc tôi khó thể biết về Nguyễn Nhân Ái.
Nhìn cặp kính cận và mái tóc khá nam tính khiến cảm nhận trong tôi về chàng sinh viên đang theo học chương trình tiên tiếng Việt -Úc, khoa Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế Huế đã thay đổi hoàn toàn.
Cũng như bao bạn trẻ khuyết tật khác, khi kể chuyện về mình Ái rất kiệm lời: "Lúc đầu em rất buồn chán và cảm thấy thiếu may mắn rồi tự mình đưa ra câu hỏi tại sao trong số 30.000 người mình lại là người mắc phải bệnh xương thủy tinh.
Nhưng sau này khi được gặp các bạn khuyết tật có căn bệnh như mình, thì Ái cảm thấy mình là một người rất may mắn. Các bạn khác thường xuyên gãy vài chục lần trong lúc đó mình chỉ mới gãy xương hơn 10 lần.
Từ đó Ái cố gắng xóa bỏ mặc cảm và tự tin khi nói với các bạn trẻ rằng “những gì người bình thường làm được thì người khuyết tật cũng có thể làm được”.
Khi sinh ra, bản thân Ái cùng giống như những đứa trẻ khác, tuy nhiên chân trái yếu hơn chân phải. Đến giữa mùa hè chuẩn bị bước vào lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tri Phương thì Ái đã bị gãy xương, từ đó em biết mình đã bị bệnh xương thủy tinh và cuộc đời của Nguyễn Nhân Ái gắn với chiếc xe lăn.
3 năm học ở Trường THPT Hai Bà Trương, Ái đã chủ động đi học bằng nạng, nhờ vậy em đã theo được chương trình học tập và ngoại khóa của các bạn cùng lớp.
Sự hỗ trợ của Trường THPT Hai Bà Trưng trong quá trình đi học của Ái tuy không lớn lao nhưng đã giúp em có những tháng ngày ngập tràn kỷ niệm ở ngôi trường này.
Nhà trường xây lại bậc thang vào lớp dễ dàng cho em khi di chuyển bằng xe lăn, sắp xếp phòng học chính ở tầng trệt và không thay đổi phòng học chính trong 3 năm đồng thời di dời phòng thực hành Tin học xuống tầng trệt để em có thể theo học.
Chính nhờ sự quan tâm tận tình của các thầy cô và bạn bè, suốt 12 năm học Ái luôn đạt thành tích học sinh giỏi xuất sắc. Cũng như bao bạn trẻ khác niềm vui lớn nhất của Ái sau mỗi giờ học căng thẳng là được nghe nhạc rap.
Nhờ niềm đam mê này mà Ái đã có rất nhiều người bạn trên khắp đất nước Việt Nam. May mắn là những sáng tác nhạc rap của Ái đã có nhiều nghe và ủng hộ.
Hiện tại Ái đang có rất nhiều dự định, ước mơ, mong ngày nào sẽ trở thành hiện thực để giúp đỡ người khuyết tật.
Nguồn GDTĐ