Nhịp điệu cuộc sống
Nâng cao chất lượng Ca huế trên sông Hương
08:57 | 19/06/2014

Là tinh hoa âm nhạc cổ truyền dân tộc, ca Huế đã tạo nên một bản sắc riêng mang tính đặc trưng và độc đáo của mảnh đất, con người xứ Huế. Kế thừa truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông, ngày nay, nghệ thuật ca Huế đang được gìn giữ và phát triển, lan tỏa khắp nơi

Nâng cao chất lượng Ca huế trên sông Hương

Những làn điệu Ca Huế không chỉ được người Huế mến mộ mà còn được rất nhiều người Việt và du khách quốc tế đón nhận. Đến Huế để được nghe ca Huế, để tìm đến âm điệu Huế sâu lắng trữ tình, loại hình ca Huế vì vậy đã hòa nhịp trong đời sống văn hóa du lịch, trở thành đặc sản, một giá trị tinh thần, một cảm xúc thưởng ngoạn của du khách mỗi khi đến với vùng đất Cố đô.

Chiều xuống, khi thành phố lên đèn, cũng là lúc bến thuyền Tòa Khâm bắt đầu nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Có đến đây mới thấy được nhu cầu thưởng thức ca Huế trên sông của du khách thập phương là rất lớn.  Ban ngày du khách tản mác đến thăm thú, thưởng ngoạn các di tích, danh thắng, còn đến đêm, dừng như phần lớn đều tìm đến địa chỉ này để trọn vẹn cho chuyến hành trình đến Huế của mình…Chị Nguyễn Thị Thái – du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Hôm nay đoàn ở Hà Nội vào được thưởng thức một chương trình ca Huế rất đặc sắc. Mình đã nhiều lần nghe ca Huế trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng đã biết Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản của thế giới, thế nhưng được ở trong không gian, khung cảnh trên sông Hương nên thơ, lãng mạn như thế này thì mới thấy hết được cái hay, cái đẹp của ca Huế.”

Trung bình mỗi đêm, tại bến Tòa Khâm có từ 30 – 35 thuyền phục vụ ca Huế, nhưng vào thời gian cao điểm như dịp lễ 30/4- 1/5, hay Festival Huế, có đến 60 – 70 thuyền hoạt động, nhưng có lúc cũng không đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.  Khi dịch vụ ca Huế trên sông Hương ngày càng phát triển, bên cạnh việc quảng bá giá trị ca Huế, cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần chấn chỉnh trong quản lý chất lượng phục vụ ca Huế cùng những dịch vụ đi kèm làm cho ca Huế giảm đi cái thi vị tao nhã của mình. Quyết định 51/2011 mà Sở VH – TH & DL tham mưu cho UBND tỉnh ban hành với những quy định cụ thể trong hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế được triển khai trong thời gian qua chính là một trong những nỗ lực để chấn chỉnh chất lượng phục vụ ca Huế trên sông. Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VH – TT & DL tỉnh TT Huế cho biết “Trong Quyết định 5/2011 quy định cụ thể về đối tượng được cấp giấy phép hành nghề biểu diễn ca Huế, cấp giấy chứng nhận tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế, quy định về chương trình biểu diễn, thuyền du lịch tham gia phục vụ, nhất là những chế tài đối với diễn viên, nhạc công, thuyền du lịch  để có được một chương trình biểu diễn tốt. Về công tác tổ chức Nhà nước Sở VH – TT & DL thành lập Trung tâm Tổ chức quản lý và biểu diễn ca Huế trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý này. Cán bộ của Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế là hằng đêm là  giám sát thời lượng, chất lượng của các sô diễn, dồng thời phối hợp với những đơn vị liên quan để chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn, thái độ phong cách ứng xử  của  diễn viên nhạc công và xử lý những vụ việc vi phạm khác theo quy chế đã ban hành”.

Với những nỗ lực này, đặc biệt là đợt kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động ca Huế trong dịp trước, trong và sau Festival Huế 2014 đã cải thiện đáng kể hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương, tuy nhiên, theo ông Cao Chí Hải – Phó Giám đốc Sở VH – TT & DL thì việc chấn chỉnh này dường như chỉ mới tác động tích cực đến ý thức của các nhạc công, diễn viên và không gian biểu diễn ca Huế, còn những tồn tại khác vẫn cứ tái diễn, nhất là vấn nạn chèo kéo du khách: “việc lấn chiếm lòng lề đường để bán hàng lưu niệm trên đường đi bộ vẫn còn rất phổ biến. Tại mỗi đợt ra quân, chúng tôi cũng nhắc nhở để bà con khôngbày bán hàng hóa lấn chiếm đường  dành cho người đi bộ, tạo ra sự phản  cảm đối với  môi trường du lịch, nhưng sau khi lực lượng chức năng rút đi thì mọi việc vẫn tái diễn. Về nạn chèo kéo thì có nhiều hình thức như chụp ảnh rồi đeo bám, ép du khách lấy ảnh, hay một số hình thức chèo kéo khác dù đã được xử lý kiên quyết nhưng cũng chưa thể dứt điểm. Bên cạnh đó là vấn nạn bán vé lẻ, ghép khách vẫn còn khá  phức tạp”.

Trả lại môi trường nghệ thuật lành mạnh vốn có của ca Huế trên sông vẫn còn là một câu chuyện dài, cần có giải pháp kiên quyết và phù hợp hơn mới có thể chấm dứt, trong đó quan trọng hơn cả là quản lý thuyền ca Huế. Nếu thực hiện tốt mô hình quản lý đội ngũ  thuyền du lịch hiệu quả  sẽ hạn chế được những hiện tượng tiêu cực này, để du khách tìm đến với ca Huế trên sông Hương là tìm đến cái thi vị của cảnh sắc, cái thanh cái đẹp của nghệ thuật, tìm đến một lối thưởng thức nghệ thuật độc đáo của người dân xứ Huế...

Theo TRT

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng