Nhịp điệu cuộc sống
Xây dựng "điểm sáng" hậu cần trên biên giới
08:14 | 23/06/2014

Phát huy nội lực, BĐBP Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai nhiều mô hình tăng gia sản xuất (TGSX), gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua "Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác dạy". 

Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, duy trì đầy đủ lương thực, thực phẩm dự trữ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cứu trợ nhân dân trong thiên tai, bão lũ; trở thành mô hình phát triển kinh tế để bà con trên biên giới học tập, làm theo.

Đại tá Nguyễn Văn Lưu, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: Thực hiện phong trào thi đua "Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác dạy", Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, được đưa vào nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, cấp ủy các cấp coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm của từng đơn vị và cá nhân. Để nâng cao tính hiệu quả, các nội dung thi đua được lồng ghép với các phong trào "Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt", "Đơn vị quân y 5 tốt", "Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy xanh, sạch, đẹp"... BĐBP Thừa Thiên Huế đã khắc phục mọi khó khăn về thời thiết, thổ nhưỡng, nhiều đơn vị đầu tư kinh phí mua đất phù sa về cải tạo đất bạc màu, nâng cao năng suất các loại cây trồng.

Đến nay, 100% đơn vị tổ chức TGSX theo mô hình vườn, ao, chuồng, rừng, trong đó đã chú ý đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xen canh gối vụ, chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Sản phẩm tăng gia đã bổ sung vào bữa ăn bộ đội trung bình từ 1.300 đến 1.700 đồng/người/ngày, đảm bảo lương thực, thực phẩm dự trữ cho công tác sẵn sàng chiến đấu và hỗ trợ nhân dân biên giới khi xảy ra thiên tai, bão lũ.

Để được "mắt thấy, tai nghe", chúng tôi đến Đồn BPCK cảng Thuận An, nơi khởi điểm xây dựng mô hình điểm công tác TGSX. Sau 3 năm thực hiện, với sự đầu tư hợp lý từ nguồn lợi tăng gia, đơn vị đã tái đầu tư sửa sang, nâng cấp hệ thống chuồng trại chăn nuôi và các phân khu chức năng. Thượng tá, Đồn trưởng Nguyễn Đăng Tâm dẫn tôi đi thăm hệ thống vườn, ao, chuồng rộng gần 2.000m2. Khu trồng rau xanh được phân lô, phân luống phù hợp, có đầy đủ hệ thống biển vườn; tường rào được xây gạch, lắp đặt lưới thép đan chắn và hệ thống tưới phun cố định... Anh Tâm cho biết, khu vực chuồng trại này với 7 gian, trong đó, 6 gian nuôi lợn, 1 gian làm kho thức ăn và bếp nấu. Tổng đàn lợn của đơn vị là 33 con. Các sản phẩm từ nguồn TGSX ngoài đảm bảo cho nhu cầu sử dụng thường xuyên, đơn vị còn cung cấp một phần ra thị trường, tạo nguồn thu đầu tư trang bị, nâng cao đời sống cho bộ đội.

Tiếp nối sự thành công của Đồn BPCK cảng Thuận An, các đơn vị như Hải đội 2, Đồn BPCK Hồng Vân, Đồn BPCK A Đớt, Đồn BP Nhâm, Đồn BP Lăng Cô, Đồn BP Vinh Xuân, Đồn BP Phong Hải... đã tiến hành nhân rộng mô hình TGSX này. Trong đó, Đồn BP Nhâm đang trở thành điển hình trên biên giới về xây dựng mô hình TGSX, tạo thành điểm tham quan, học tập cho nhân dân. Cách đây hơn 2 năm, Đồn BP Nhâm chỉ là một bãi đất trống, đồi trọc, đất đai cằn cỗi, nhưng đơn vị đã bỏ hàng nghìn ngày công cải tạo đất, xây dựng các phân khu chức năng, hệ thống giàn, ao thả cá, chuồng trại nuôi lợn và bò... Giờ đây, khu TGSX của Đồn BP Nhâm có 2.000m2 đất trồng rau xanh quanh năm với nhiều loại như: Su hào, bắp cải, rau thơm...; hơn 1.500m2 cây ăn quả, 3 ao cá với tổng diện tích 1.200m2 và khu quy hoạch trồng chuối rộng hơn 30.000m2. Ngoài ra, đơn vị luôn duy trì khoảng 10-15 con lợn và hàng trăm con gà, vịt, ngan... tự túc được nguồn thực phẩm tươi, sạch cho bữa ăn của bộ đội, góp phần đảm bảo 100% quân số khỏe để phục vụ tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Thiếu tá Hoàng Bình Minh, Phó Đồn trưởng Đồn BP Nhâm, cho biết: Chỉ huy đồn giao cho từng tổ, đội tận dụng những khoảnh đất trống quanh đơn vị để TGSX và đây cũng là một trong những chỉ tiêu để đánh giá kết quả thi đua hằng năm của các đội. Mỗi năm, Đồn BP Nhâm thu gần 11 tấn rau và 1,1 tấn thịt, cá. Ngoài việc đưa thêm vào bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ 3.000 đồng/người/ngày, sản phẩm tăng gia còn cung cấp cho thị trường, tạo thêm nguồn kinh phí để đầu tư, trang bị các phương tiện cần thiết, phục vụ đời sống và cải tạo cảnh quan môi trường trong đơn vị.

Phần lớn chiến sĩ trong đơn vị là con em đồng bào dân tộc thiểu số, qua công tác TGSX, các chiến sĩ nắm được quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và sau khi xuất ngũ trở về địa phương đã áp dụng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp, kỹ thuật của BĐBP, nhờ vậy đã thoát nghèo, đang vươn lên làm giàu.

 

Nguồn bienphong.com

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng