Bằng những câu hò thân thương và các động tác biểu diễn mộc mạc, các mệ già đã gợi lên một hoạt cảnh làng quê sinh động trong mắt du khách khi đến thăm cầu ngói Thanh Toàn ở Huế.
Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con mương của làng Thủy Thanh Chánh, xã Thanh Thủy, thị xã Hương Thủy là một trong ít chiếc cầu gỗ có kiến trúc đặc biệt, được công nhận là di tích cấp gia từ năm 1990.
Để đa dạng hóa loại sản phẩm du lịch, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng một nhà nông cụ, biến nơi đây thành một điểm tham quan du lịch, tái hiện lại những cảnh sinh hoạt làng quê xưa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để hút khách du lịch, các mệ già ở đây cũng đã xắn tay vào công cuộc giới thiệu nét đẹp quê hương.
Người tiên phong cho hoạt động này mệ Lệ Thị Ngạnh 80 tuổi ở làng Thủy Thanh. Không chỉ nhận trông coi, quét dọn, mệ còn mang những vật dụng nông nghiệp của nhà mình ra “sung” vào nhà nông cụ. Bên cạnh đó, mệ Ngạnh đi sưu tập, mua lại các vật dụng của bà con xóm làng. Nhìn thấy những việc mệ làm, nhiều người dân đã tự tay đem đến nhà nông cụ những vật dụng để góp phần phục vụ du khách như cày, bừa, cối đạp lúa, nơm bắt cá, cối xay lúa, thuyền…
“Khi nhà nông cụ đã đầy ắp vật dụng để trưng bày, đối với khách trong nước thì tôi thuyết trình cho họ hiểu dễ dàng nhưng với khách nước ngoài thì không dễ, vì tôi không biết ngoại ngữ. Vậy là tôi nghĩ ra cách trình bày các hoạt động rồi dùng ngôn ngữ bằng tay, thế mà khách Tây hiểu hết.” - mệ Ngạnh cười kể lại những tháng ngày đầu làm “hướng dẫn viên” du lịch.
Để phục vụ du khách mệ Ngạnh còn ca những câu ca Huế, những điệu hò như hò giã gạo, hò đạp nước, hò ru em… khiến cho nhà nông cụ ngày càng trở nên rộn ràng, đông khách hơn. Cách đây không lâu, chồng mệ Ngạnh qua đời, mệ lại đau ốm liên miên nên thôi không phục vụ ở nhà nông cụ nữa.
Tuy nhiên, mệ Ngạnh “về hưu” thì mệ Hấu, mệ Chanh lại tiếp tục “sự nghiệp” làm hướng dẫn viên cho du khách. Họ đều trên dưới 80 tuổi, vẫn lặng lẽ ca những câu hò xứ Huế, để tiếp tục “thổi hồn” vào làng quê yên bình này.
“Du khách nước ngoài rất thích thú với hình ảnh các mệ. Có nhiều hôm về mà không gặp được mệ Ngạnh, mệ Hấu, tôi phải tìm đến nhà để mời cho được các mệ ra làm hướng dẫn cho khách. Vì ấn tượng, một số du khách chia sẻ cứ có dịp ghé Việt Nam đều về đây chỉ để gặp các mệ” - anh Trần Đình Hà, một hướng dẫn viên du lịch cho hay.
Bao năm qua, bằng những hiểu biết về nghề nông, các mệ đã giúp cho du khách nước ngoài hiểu hơn về văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Dù không biết nhiều về ngoại ngữ nhưng bằng các động tác sinh động của các mệ, hình ảnh văn hóa Việt Nam đã phần nào lan tỏa đối với bạn bè nước ngoài. Từ một địa điểm du lịch không được mấy ai biết đến, nhờ có các mệ mà cầu ngói Thanh Toàn giờ đây đã là một điểm đến gắn liền với Huế khi du khách tới vùng đất cố đô.
Nguồn VnExpress