Nhịp điệu cuộc sống
Yêu Huế qua... bảo tàng!
15:05 | 27/06/2014

Thành lập từ tháng 7-2012, Bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi, TP Huế) đã có những hoạt động trưng bày, triển lãm, quảng bá sâu rộng đến với người dân và du khách.

Yêu Huế qua... bảo tàng!

Từ sưu tập đao kiếm chiến trận...

Ngoài những hiện vật quý hiếm như cổ vật Sa Huỳnh, cổ vật Chămpa, cổ vật thời Trần - Lê, cổ vật thời Nguyễn..., Bảo tàng Văn hóa TP Huế hiện đang trưng bày 9 thanh kiếm của nghĩa quân Tây Sơn.

Cố đô Huế từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn với vị vua Quang Trung-Nguyễn Huệ có công lao hiển hách trong việc tiêu diệt các tập đoàn phong kiến Nguyễn - Trịnh - Lê thống nhất đất nước và kháng chiến chống 5 vạn giặc Xiêm La (1785), 29 vạn giặc Mãn Thanh (1789) thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc nên việc trưng bày vũ khí chiến trận của nghĩa quân Tây Sơn tại Bảo tàng đã thu hút được sự  quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế và du khách tham quan bảo tàng.

Anh Nguyễn Văn Cương, chuyên viên Bảo tàng cho biết: 9 thanh kiếm này được ông Lâm Zũ Xênh, một nhà sưu tầm cổ vật ở tỉnh Quảng Ngãi trao tặng và Bảo tàng đã trân trọng gọi đó là "Bộ sưu tập đao kiếm chiến trận thời Tây Sơn". Được biết, sau nhiều năm cất công sưu tầm, ông Lâm Zũ Xênh đã có được hàng trăm hiện vật vũ khí chiến trận Tây Sơn và ông đã hiến tặng một phần các hiện vật này cho các bảo tàng quân đội, bảo tàng các tỉnh Lâm Đồng, Bình Định, Vĩnh Long, TT-Huế.

...Đến nghe ca Huế đúng chất, đúng điệu

Lâu nay ca Huế thường được biểu diễn trên sông Hương chủ yếu phục vụ khách du lịch. Song đáng tiếc là hiện nay hiện trạng ca Huế trên sông Hương đã có những dấu hiệu bất thường như đã và đang bị "thương mại hóa" trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Bắt đầu từ tháng 8-2013, Bảo tàng Văn hóa Huế đã tổ chức chương trình ca Huế thính phòng. Nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TT-Huế, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Ca Huế - Phú Xuân cho biết việc diễn ca Huế thính phòng trong một không gian phù hợp như thế này là ước mơ từ rất lâu của Câu lạc bộ Ca Huế - Phú Xuân và những ai thực sự yêu ca Huế. Tại đây, những bài bản lớn của ca Huế như Nam ai, Nam bình, Phú lục... sẽ được trình diễn một cách chuyên nghiệp và có chất lượng cao bởi các nghệ nhân đàn và những nghệ nhân ca Huế lớn tuổi không còn phục vụ du lịch nhưng vẫn thừa khả năng ca những làn điệu ca Huế cổ và khó.

Được biết, họa sĩ Trần Thanh Bình, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế, con trai đạo diễn Văn Lang đã cất công thiết kế sân khấu biểu diễn ca Huế tại Bảo tàng Văn hóa Huế trong một thời gian khá dài và được giới chuyên môn đánh giá là khá bài bản và thể hiện đúng tinh thần của loại hình ca Huế thính phòng.

Bên cạnh biểu diễn ca Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế còn trưng bày những bức ảnh về lịch sử của ca Huế như "Ban nhạc đồng ấu triều Nguyễn", "Ban nhạc Đại Nội triều Nguyễn", "Ban nhạc cổ truyền ca Huế tại Sài Gòn"; chân dung các nghệ nhân đã cống hiến lớn lao cho ca Huế như Trần Kích, Trần Hữu Ba, Minh Mẫn, Thanh Hương, Nguyễn Cẩn, Tôn Thất Toàn, cô Nhơn...; các nhạc cụ ca Huế từng được các nghệ nhân sử dụng biểu diễn (đàn nhị, đàn bầu...) và các sách vở tư liệu viết về ca Huế như "Ca Huế và ca kịch Huế" (Văn Lang), "Khúc tri âm", "Khúc ca xuân" (Võ Quê), "Tìm hiểu ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên" (Văn Thanh), "Một hồi ức của một người cháu về một ông đội Nhã nhạc Nam triều" (Nguyễn Đắc Xuân), "Tiếng hát sông Hương" (Ưng Bình Thúc Giạ Thị), "Sáng tác lời ca Huế dân ca" (Minh Hải). Ông Huỳnh Đình Kết, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế cho biết, mục đích việc tổ chức các đêm diễn về sau là nhằm đưa ca Huế trở lại sinh hoạt truyền thống, đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ có tâm huyết, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ca Huế có cơ hội bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế, đồng thời tạo ra một điểm nhấn từng bước mời gọi khách đến với Bảo tàng.

 Theo CAND

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng