Một bệnh nhân nam được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế đang trong tình trạng hôn mê, không còn biết gì xung quanh mình. Anh tên là Trần Đình Ng., (59 tuổi) làm nghề lái xe. Trong khi xe đang đứng chờ khách, bà con phát hiện anh nằm bất tỉnh trên ghế lái xe của mình, lập tức Trần Đình Ng. được đưa ngay vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Các bác sĩ cấp cứu tới ngay và chỉ trong ít phút đã đánh giá bệnh nhân đang bị hôn mê, điểm Glasgow 6 điểm. Bệnh nhân được đưa vào chụp CT scan sọ não, phát hiện anh bị xuất huyết não và các bác sĩ đưa ngay anh vào Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Tại đây, anh được điều trị ổn định dần trong 22 ngày, anh tỉnh táo và giảm đau đầu, nhưng còn yếu nửa người phía tay phải.
Vào lúc 17 giờ ngày 13/6/2014 (sau 22 ngày nằm điều trị), bệnh nhân Trần Đình Ng. đột ngột đau đầu, huyết áp tăng cao, ngưng thở, rối loạn ý thức. Bệnh nhân được ThS.BS. Bùi Mạnh Hùng - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản và thở máy. Đồng thời hội chẩn với TS.BS. Tôn Thất Trí Dũng, Phó trưởng khoa Nội tiết thần kinh.
Tại cuộc hội chẩn, TS.BS. Dũng kết luận bệnh nhân bị xuất huyết màng não, nghi do vỡ túi phình mạch não lần thứ 2. Các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân chụp DSA mạch não (chụp mạch số hóa xóa nền) và can thiệp mạch máu não cấp cứu. Đây là một kỹ thuật cao và xâm nhập tối thiểu, dưới sự hỗ trợ của máy DSA hiện đại, các bác sĩ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để tiếp cận hệ thống mạch máu não (không cần phải mở hộp sọ như trước đây) để chụp và can thiệp mạch não bị tổn thương. Các bác sĩ phát hiện túi phình mạch não đang chảy máu nhiều, nguy cơ gây lụt não và tử vong cho bệnh nhân. Sau khi giải thích với gia đình bệnh nhân Trần Đình Ng., thống nhất tiến hành can thiệp mạch não cấp cứu.
Túi phình mạch não có kích thước 8,2mm x 6,7mm tại động mạch thông trước đang chảy máu, BS. Dũng đã thực hiện biện pháp can thiệp túi phình bằng coil (lò xo) để cứu bệnh nhân. Bằng máy móc hiện đại và dụng cụ chuyên biệt, coil được đưa từ động mạch đùi, theo mạch máu lên não đến chỗ túi phình. Túi phình của bệnh nhân Trần Đình Ng. phải đặt tới 3 coil mới hết chảy máu.
Sau khi can thiệp thành công, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Cấp cứu đột quỵ tại Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Trung tâm Quốc tế của Bệnh viện Trung ương Huế.
Bệnh lý túi phình mạch não có tỷ lệ 1,5-5% trong dân chúng, bệnh nhân thường vào viện vì nhức đầu, nôn mửa... do vỡ túi phình gây chảy máu não và tỷ lệ tử vong khoảng 60-70%. Việc điều trị túi phình mạch não có thể sử dụng phương pháp mổ não hoặc điều trị can thiệp nội mạc. Việc mổ não và giải quyết vết mổ là một quá trình phức tạp và đầy nguy hiểm. Phương pháp điều trị can thiệp nội mạc mạch máu mang lại sự an toàn và hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Đặc biệt, phương pháp can thiệp nội mạc điều trị bệnh lý mạch máu não - tủy nói chung hay đột quỵ não nói riêng lần đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Trung ương Huế và sẽ triển khai cấp cứu bệnh nhân thường quy.
Hiện tại, bệnh nhân Trần Đình Ng. tiến triển tốt, tỉnh táo, có thể tự ngồi dậy ăn uống. Ngày ra viện của bệnh nhân không còn xa nữa. Phương pháp bít túi phình mạch não bằng lò xo đã cứu anh qua khỏi cửa tử một cách ngoạn mục.
Theo Sức khỏe và đời sống