Nhịp điệu cuộc sống
“Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy”
09:46 | 27/07/2014

Sáng ngày 27/7/2014, tại Hội trường Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, 22 Lê Lợi (Huế), Tạp chí Sông Hương và Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp tổ chức ra mắt cuốn sách “Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy” của cố nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha nhân một năm ngày mất của ông (8/8/2013-8/8/2014). 

“Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy”
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, TBT Tạp chí Sông Hương, phát biểu tại buổi giới thiệu sách

Nhà báo, nhà nghiên cứu Ngô Kha quê ở Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1964, đã vào chiến trường Thừa Thiên Huế công tác. Trong những năm chiến tranh, ông làm Thư ký tòa soạn phụ trách Báo Cờ giải phóng, Bí thư Đảng ủy Ban Tuyên huấn Thừa Thiên. Sau ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, ông đảm trách Thư ký tòa soạn báo Thừa Thiên Huế Giải phóng, rồi được bầu làm Bí thư Đảng ủy Ban Tuyên huấn tỉnh ủy. Từ tháng 6/2006, ông được điều động sang phụ trách công tác nghiên cứu lịch sử Đảng. Năm 1990, ông được phân công làm Trưởng tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

 

Cuốn sách “Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy” do Nhà xuất bản Thuận Hóa cấp phép dày hơn 400 trang có thể xem là là tấm lòng tri ân của con cháu trong gia đình, là nỗi nhớ thương của bạn bè, đồng đội tưởng niệm một năm ngày mất của ông.

Tập sách là tập hợp những nghiên cứu lịch sử mà ở đó, phần lớn gắn liền với những năm tháng toàn dân kháng chiến chống xâm lược ở vùng đất Quảng trị- Thừa Thiên Huế nói riêng, miền trung và cả nước nói chung. 

Phần lớn hơn hơn trong tập sách là những bài viết, những bài thơ đầy hoài niệm. Đó là những lý tưởng mà tuổi trẻ của ông và bao thế hệ thanh niên thời đó đã chọn. Chúng ta bắt gặp nơi ấy sự sâu lắng của cuộc sống, sự trung thực, giàu lòng nhân ái và tình đồng chí, đồng đội bao yêu mến. Những trang sách đã cho chúng ta một cái nhìn cận cảnh về những ngày kháng chiến tuy hết sức khó khăn gian khổ nhưng cũng đầy ắp tiếng cười, sự lạc quan nơi rừng núi phía Tây Thừa Thiên. Đó những căn hầm bí mật giữa xóm thôn, là những giọt nước mắt đâu thương khi đồng đội ngã xuống, là ý chí quật cường vượt qua hiểm nguy, sự gan lì và dũng cảm đến kỳ lạ. Những trang viết ấy cũng là những câu chuyện thật, không màu mè về cuộc sống của những người lính, về những tháng năm kháng chiến gian nan nhưng thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội và cả niềm tin về một ngày chiến thắng.

Tại buổi giới thiệu sách, chúng ta cũng được nghe những phát biểu của những bạn bè một thuở cùng từng sống với ông trên chiến khu là các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Đắc Xuân. Họ đều có những kỷ niệm đẹp với ông trong những ngày gian lao và anh dũng ấy.

Nhà văn nguyễn Đắc Xuân kể về những ngày làm báo với Ngô Kha

 

Cùng với những trang viết, cái cách ông đi hết cuộc đời với một cung cách sống do chính ông chọn lấy " ta đi khỏi rừng, rừng không ra khỏi ta", khiến cho mọi người mãi nhớ và thêm kính trọng ông- nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha.

PV

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng