Từ đơn đặt hàng, NGƯT.TS. Đinh Vương Hùng và nhóm nghiên cứu Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế đã nghiên cứu thành công thiết bị chưng lọc nước ngọt từ nước biển, mở ra triển vọng lớn cho Trường Sa và người dân vùng khan hiếm nước ngọt.
NGƯT.TS. Đinh Vương Hùng cho biết, thiết bị này không chỉ chưng lọc nước ngọt từ nước biển, mà còn có khả năng chưng lọc nước ngọt từ các nguồn nước nhiễm bẩn, nhiễm phèn, có thể sản xuất được nước sạch từ 3 đến 5 lít/m2/ngày. “Việt Nam nằm trong top giàu tiềm năng năng lượng mặt trời, nếu đầu tư và sử dụng theo hướng quang - nhiệt sẽ đem lại lợi ích rất lớn, TS.Hùng cho hay.
Theo TS.Hùng, ưu điểm của thiết bị là tạo ra được mẫu hệ thống thiết bị sản xuất nước ngọt từ nước mặn bằng năng lượng mặt trời (NLMT) theo kiểu mô đun, dễ dàng lắp đặt cho các đảo với công suất khác nhau, tích hợp được cả 3 chức năng là lọc nước biển thành nước ngọt, kết hợp thu hứng nước mưa và làm mát mái nhà. “Ở Trường Sa, dù đang họp nhưng thấy trời mưa là các chiến sĩ phải chạy ra thu gom nước. Vì thế, thiết bị này khi được chuyển giao sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết vấn đề cấp bách về thiếu nước ngọt trên huyện đảo Trường Sa”, TS.Hùng nói.
TS. Hùng và các cộng sự đã bỏ rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm ra kết cấu và chất liệu sao cho bền vững và phù hợp điều kiện khí hậu biển, đảo nhất. Về vật liệu, thiết bị sử dụng kính và HDPE vốn khá phổ biến, dễ chế tạo. Đây cũng là một loại chất dẻo vừa bền vừa chống được tia tử ngoại, an toàn thực phẩm, chịu được hơi mặn và không bị ăn mòn. Thiết bị cũng có kết cấu đơn giản với mái bằng gỗ hoặc thép không rỉ và hoạt động theo nguyên lý bẫy nhiệt, có hiệu suất thu nhiệt và bay hơi cao. Trên thế giới, các nước có nghiên cứu mạnh về cái này nhưng chưa thấy công bố. Thiết bị khi được chuyển giao và sản xuất hàng loạt thì giá thành chỉ chưa tới 5 triệu/1 mô đun trong khi độ bền hàng chục năm, giá thành thấp, hiệu quả mang lại lớn.
TS.Hùng đã tiến hành khảo nghiệm thực tế thiết bị sản xuất nước ngọt từ nước mặt sử dụng năng lượng mặt trời tại Phú Thuận, Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Kết quả khảo nghiệm cho thấy giá khả năng làm việc của hệ thống rất tốt, chất lượng nước ngọt bảo đảm tiêu chí nước sạch để uống của Bộ Y tế. TS.Hùng cũng đưa thiết bị tham gia trình diễn tại Triển lãm Khoa học Công nghệ Đại học Huế 2014 và được nhiều đơn vị đánh giá cao.
“Chúng tôi đang chế tạo mẫu 1 hệ thống lọc nước kiểu 1 mô đun (trên cơ sở hoàn thiện nhất). Sau đó, sẽ hợp tác với một cơ sở chế tạo để chuyển giao toàn bộ quy trình công nghệ và sản xuất hàng loạt để chuyển giao cho huyện đảo Trường Sa theo hợp đồng sẽ ký với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hoà, TS Hùng cho hay. Đây là đề tài khoa học cấp Trường của Trường ĐH Nông Lâm Huế năm 2014 nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Trường Sa theo đơn đặt hàng của trường để chuyển giao cho huyện đảo Trường Sa sắp tới”.
Thiết bị chưng lọc nước ngọt từ nước biển sử dụng năng lượng mặt trời được cấu tạo gồm 1 bộ thu nhiệt ngoài (colector 1m2 theo hiệu ứng “lồng kính”), 1 bộ thu nhiệt trực tiếp (kiểu “bẫy nhiệt” và bay hơi), 1 bộ làm nguội và ngưng tụ, các bình chứa nước, các van điều tiết. Với kích thước không quá lớn 3.5m x 2m x 2m và nặng 150 kg, thiết bị có thể lắp đặt trên mái nhà hoặc không gian có chiếu nắng tại các hộ gia đình thiếu nước sạch sinh hoạt; các đảo ven biển Việt Nam, vùng thiếu nước ngọt; cung cấp nước ngọt cho hệ thống tưới nhỏ giọt trồng cây trên các đảo Trường Sa.
Nguồn Tỉnh ủy Huế