Nhịp điệu cuộc sống
“Xẻ thịt” rừng trồng để... khai thác cát trái phép
14:25 | 01/08/2014

Dù không triển khai xây dựng dự án nhưng các nhà đầu tư được UBND xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bàn giao đất rừng lại đốn hạ vô số diện tích rừng trồng, để rồi sau đó... “bỏ của chạy lấy người”. Ngoài vấn nạn cát bay, cát nhảy do bị mất rừng thì một hệ lụy đáng báo động ở địa phương này là nạn khai thác cát trái phép ở những phần đất dự án khi chủ đầu tư bỏ rơi. 

“Xẻ thịt” rừng trồng để... khai thác cát trái phép

Nhiều năm về trước, cánh rừng tràm và phi lao chạy dọc những đồi cát ven biển qua địa phận các thôn của xã Lộc Vĩnh được người dân xem như là bức bình phong để bảo vệ làng mạc, vườn tược khi rừng làm nhiệm vụ chống nạn cát bay, cát nhảy rất hiệu quả.

Thế nhưng, vào năm 2010, kể từ khi UBND xã Lộc Vĩnh có chủ trương bàn giao 7,6ha đất rừng cho Công ty Thiên Đường để thực hiện dự án xây dựng khu sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thì cũng từ đây, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã phải gánh chịu hậu quả nặng nề do rừng dần bị đốn hạ không thương tiếc.

Dẫn chúng tôi men theo con đường nhựa để đến ngọn đồi trọc nằm trên phần đất dự án của Công ty Thiên Đường mà ông Hồ Trọng Vinh, Công an viên xã Lộc Vĩnh, không khỏi xót xa: “Ngoài diện tích rừng nguyên sinh, năm 1998, xã có chủ trương bàn giao phần đất này cho người dân để trồng rừng phòng hộ nên bà con trong xã đã thay nhau trồng phi lao, tràm... để làm rừng chắn gió, chắn cát. Đến khi cây rừng đang độ phát triển thì bị chủ đầu tư chặt hạ để lấy đất xây dựng công trình phục vụ cho du lịch ven biển. Thế mà giờ chỉ còn lại một bãi cát vàng không một bóng cây!”.

Qua quan sát, ngoài tấm bảng hiệu đã rách bươm do Công ty Thiên Đường dựng lên kể từ ngày khởi công thì cả dải cát rộng mênh mông không hề có một ngọn cây nào. Bà Nguyễn Thị Mến, chủ quán nước nằm cạnh tuyến đường Chân Mây, còn cho hay: “Trước kia còn có cánh rừng thì mỗi lần gió bão, bà con ở đây yên tâm lắm. Nhưng từ khi rừng bị họ (đơn vị thi công dự án - PV) phá đi rồi, cứ đến mùa hè thì cát bay ghê lắm. Nhất là trong trận bão Nari vào giữa tháng 10/2013, do không còn rừng nên nhiều hécta tràm của bà con ở phía bên kia đường đã bị gió bão quật gãy không còn một cây”.

Tìm hiểu còn được biết, sau khi đốn sạch cây rừng của người dân, phía nhà đầu tư đã cho xe múc xúc cát trên các đồi cát này đem bán cho một số đơn vị để... kiếm lời! Đến khi lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Phú Lộc bắt quả tang và lập biên bản xử phạt thì phía công ty mới chấm dứt việc khai thác cát. Từ đó đến nay, đã 4 năm trôi qua nhưng chủ đầu tư không hề lai vãng đến dự án này nữa, ngoài việc để lại cho người dân địa phương những quả đồi trọc lóc.

Cách đó khoảng 2 cây số về phía Bắc là diện tích đất rừng rộng gần 8ha nằm trên các đồi cát được UBND xã Lộc Vĩnh bàn giao cho chủ dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng là Công ty Hòa Bình (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) từ năm 2009 cũng bị “xẻ thịt” từ khá lâu để phục vụ cho hoạt động... khai thác cát, chứ không phải để xây dựng dự án du lịch.

Có mặt tại khu dự án này, chúng tôi ghi nhận những gì còn sót lại của cánh rừng phi lao phòng hộ năm nào chỉ là những gốc cây mục nát đổ nghiêng ngả trên các miệng hố cát sâu hoắm. Hàng rào thép B40 với nhiều cột bê tông cũng bị húc đổ để làm đường cho xe tải chạy vào. Phóng chưa đầy tầm mắt, có khoảng 10 hố cát sâu từ 3 đến 5m, bán kính từ 15 đến 20m là điểm múc cát của các đối tượng khai thác cát trái phép.

Một người dân địa phương cho biết, hoạt động khai thác cát trái phép ở khu vực này đã diễn ra từ cuối năm 2012. Nhiều chủ xe tải còn thuê nhân công đến xúc cát trộm vào ban đêm để chở bán cho đơn vị thi công tuyến đường chính dẫn ra cảng Chân Mây. Bình quân mỗi đêm, có khoảng  3 đến 5 chiếc xe tải nối đuôi nhau chạy ầm ầm vào động cát nhưng địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả (?!).

Đem những hình ảnh mà chúng tôi ghi lại được từ hiện trường cho ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh xem thì ông Ga thừa nhận, có xảy ra tình trạng một số đối tượng xấu lợi dụng đất dự án bỏ hoang nên tiến hành vào khai thác cát trái phép để đem bán.

“Qua theo dõi, chúng tôi nắm bắt được các đối tượng thường khai thác cát trộm và chở bằng xe tải từ lúc 10h đêm đến 2h sáng, nhưng sau nhiều lần mật phục, do lực lượng quá mỏng nên chưa bắt được đối tượng nào. Tới đây, xã sẽ phối hợp với Công an huyện Phú Lộc để vây bắt và lập biên bản nhằm xử lý triệt để vấn đề này”, ông Ga khẳng định.

Theo thống kê của UBND xã Lộc Vĩnh, để phục vụ cho các dự án xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng..., đã có 4,8ha rừng trồng và rừng dẻ nguyên sinh trên các đồi cát của xã đã bị chặt bỏ hoàn toàn. Ngoài những đồi cát đang bị sa mạc hóa thì một số cánh đồi còn lại đang bị cày nát để phục vụ cho hoạt động khai thác cát. Và tới đây, không biết còn bao nhiêu cánh rừng trên địa bàn bị đốn hạ để nhường đất cho các dự án nằm trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Theo Lê Anh (CAND)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng