Nhịp điệu cuộc sống
Bí ẩn về "rắn thần" và chiếc chậu cổ ở lăng Gia Long
15:29 | 05/08/2014

Chiếc chậu cổ tại lăng Gia Long (Huế) gắn liền với nhiều sự tích về 'rắn thần' kỳ bí khiến không ít người thích thú.

Bí ẩn về "rắn thần" và chiếc chậu cổ ở lăng Gia Long
Chiếc chậu cổ ở lăng Gia Long mang nhiều câu chuyện huyền bí

Thiên Thọ Sơn là quần sơn gồm 42 đồi, núi lớn, nhỏ nằm ở thượng nguồn tả trạch sông Hương (Thừa Thiên - Huế). Trong đó, Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn được chọn làm tiền án của lăng Gia Long, còn gọi là Thiên Thọ lăng.

Khi nghe hỏi về chiếc chậu cổ gắn với câu chuyện rắn thần, ông Hồ Thúc Muộn, tổ trưởng tổ bảo vệ lăng Gia Long, cho biết: Chiếc chậu cổ này rất thiêng, gắn với truyền thuyết về 'rắn thần', sau đó ông giới thiệu 1 người là nhân chứng sống của tích này…

Đó là ông Lê Quốc Thành, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Thành là người đầu tiên khiêng chiếc chậu cổ về nhà, rồi sau đó mang trả lại lăng Gia Long...Theo đó, vào năm 1976 khi còn đang đương chức, ông đã xin mang chiếc chiếc chậu cổ này về nhà.

Sự việc vẫn chẳng có gì để nói nếu hè năm ấy, ông không thấy một chuyện lạ lùng. Một buổi chiều, ông đang ngủ say thì mơ thấy một con giao long xuất hiện.

Ông choàng tỉnh dậy nhìn ra chiếc chậu cổ khiêng từ lăng Gia Long về đựng nước đặt trước hiên nhà thì chợt 'sởn da gà' vì thấy 1 con rắn hổ mang.

Con rắn to bằng cổ chân người lớn đang cuộn tròn quanh chiếc chậu, phình mang thè lưỡi, trợn mắt nhìn ông trông rất hung dữ. Quá sợ hãi, ông chạy vào nhà lấy khẩu súng AK (được Nhà nước cấp) ra nhắm hướng con rắn bắn 7 phát nhưng con rắn không chết mà phóng vào bụi rậm biến mất.

Thấy sự việc diễn ra quá kỳ lạ, nghĩ 'rắn thần' xuất hiện để bảo vệ chậu cổ của đức vua nên mẹ ông Thành đã khuyên con khiêng chiếc chậu ấy đưa về đặt lại vị trí cũ trước sân lăng Gia Long.

Nhiều vị cao niên làng Định Môn, kể rằng: Sau khi ông Thành đem trả lại chiếc chậu cổ thì có một số người đã đến lăng Gia Long khiêng chiếc chậu này về làm vật dụng, đựng nước, gạo... nhưng sau đó họ đều ngã bệnh nên hoảng sợ trả lại.

Như trường hợp cụ Mai Văn Chiêm (nay đã mất), khi đó, cụ cũng mang chiếc chậu cổ về để đựng nước.
Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì mà 2 đêm liền cụ ngủ đều mơ thấy 1 con giao long nằm cuộn mình trong chiếc chậu.

Qua đêm thứ 3, cụ vẫn mơ như vậy rồi đến sáng hôm sau thì ngã bệnh, không thể dậy được nữa. Sự việc càng trở nên phức tạp khi vợ cụ Chiêm bị đau bụng chết 'bất đắc kỳ tử'.

Ông Vinh (con trai của cụ Chiêm) nói: 'Đám tang cho mẹ tui xong, anh em tui bàn bạc, hội ý khiêng cái chậu trả lại chỗ cũ ở lăng Gia Long.

Rồi cha tui cũng dần dần bớt bệnh, khỏe lại. Từ đó, người trong làng Định Môn càng tin là chiếc chậu cổ của vua, mình phận bề tôi mà phạm thượng nên mới gặp tai họa'.

Ông Bùi Ngọc Tùng, Trưởng thôn Định Môn nói, nhờ người dân truyền miệng những câu chuyện huyễn hoặc như vậy mà chiếc chậu cổ quý giá của lăng Gia Long mới giữ được đến ngày nay.

Và câu chuyện cũng khiến lăng Gia Long trở nên thần bí, hấp dẫn du khách hơn.

Theo báo điện tử Gia đình VN

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng