Chiều nay về thăm nhà người bà con ở Phú Vang và thấy mấy làng quê đã rộn ràng Thu tế.
Lễ Thu tế được tổ chức hàng năm vào trước và sau rằm tháng Bảy âm lịch khi thời tiết giao mùa từ hạ sang thu, khi công việc đồng áng vẫn còn khá rảnh rang; cũng là lễ trọng nhất của những làng quê xứ Huế.
Mình nhớ có lần về làm phóng sự về lễ Thu tế ở làng Lại Thế, một làng ven thành phố Huế ấn tượng nhất là cảnh một ông già cầm cái chổi đỏ lửa tỉ mẫn ngồi thui một con bò suốt đêm thâu để kịp sớm mai dâng lên tế tổ tiên. Theo phong tục truyền thống, ngày 11 tháng 7 âm lịch lễ Thu tế làng Lại Thế được bắt đầu với lễ Hưng tác, tiếp đó là nghi lễ quan trọng Cung nghinh Sắc phong từ miếu thờ Thành Hoàng và 3 họ đã khai canh, lập làng là họ Châu, họ Trần, họ Nguyễn về đình làng. Ðám rước Sắc do các vị bô lão dẫn đầu và theo sau là những người trung niên và lớp trẻ trong làng.Sau lễ cung nghinh Sắc từ miếu thờ Thành Hoàng và nhà thờ các họ và lễ Túc yết; dân làng ở lại cả đêm tại đình làng để chuẩn bị cho lễ Chánh tế vào sáng sớm hôm sau. Lễ Chánh tế trong lễ Thu tế làng Lại Thế có hình thức cúng như các làng khác. Nó biểu thị lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần và tiền nhân đã có công gây dựng nên làng mạc và phù hộ cho dân làng an khang thịnh vượng.
Cũng có mấy lần dự lễ Thu tế ở đình làng Dương Xuân thượng, một ngôi đình cổ nằm lọt thỏm giữa núi đồi nhìn ra cánh đồng Bàu Vá thuộc phường Thủy Xuân. Thì ra ngôi đình trong phố này đã mang trong mình những trầm tích của lịch sử khi nghe các vị bô lão kể về sự hình thành của thành phố Huế bây chừ từ những ngôi làng cổ Dương Xuân, An Cựu, Vỹ Dạ, Phú Xuân...Rồi lại có người cho rằng đình làng Dương Xuân từng là thủ phủ của triều đình Tây Sơn ngày xưa...Nhưng trang trọng nhất, hoành tráng nhất vẫn là lễ Thu tế làng An Truyền thường gọi là là Chuồn) ở Phú Vang. Từ tờ mờ sáng 16 tháng bảy âm lịch người dân làng đã tiến hành lễ cung nghinh các vị khai canh khai khẩn từ miếu làng ở cánh đồng . Lễ cung nghinh được tổ chức cung kính với những bước đi khoan thai nhẹ nhàng của những người tham gia hành lễ. Trên đường đi các xóm trong làng đều thiết kế bàn thờ cung kính. Nét đặc sắc của lễ Thu tế làng An Truyền là từ nghi thức, trang phục... ,những bước đi dâng rượu, dâng đèn theo chữ "đinh"đều mang dấu ấn dân tộc cổ truyền. Rồi những điệu Thài xưa cổ (một điệu hát bằng chữ Hán, mỗi câu có 4 chữ được quan Thượng thư bộ Lễ Hồ Đắc Trung- con dân làng An truyền đem nghi thức cúng tế của triều đình truyền lại cho dân làng) vang vọng trong nghi lễ của các vị bô lão làng Chuồn...
Cái quý nhất là khi đến dự lễ Thu tế đình làng là sự trân trọng, người trên kẻ dưới theo vai vế trong làng mà không ngượng ngập, mà không xấu hổ.Những người xa quê về dự Thu tế được bà con dân làng tay bắt, mặt mừng nói con ông ni, ông tê ở làng mình nay đã thành đạt là niềm vui chung của làng. Phần lễ kết thúc với nghi lễ hành hương của tất cả con dân trong làng và khách đến dự lễ cũng là lúc mọi người dân làng quây quần bên mâm cỗ nói chuyện xưa nay. Không phải sự hào soạn của mâm cỗ đình làng mà chính cái tình được ngồi với nhau chính là cái thú vị nhất của “ một miếng giữa làng”...
Mùa Thu tế lại về với làng quê xứ Huế khi đồng lúa đang vào mùa gặt để được nghe tiếng chiêng, tiếng trống âm vang mà gần gụi; để được nhìn những ông, những bà, những o, những cậu mặc áo dài đến thắp nhang cung kính trước bàn thờ đình làng...Đó là câu chuyện văn hóa muôn đời của người Việt đã được ông cha mình viết nên để bây giờ mãi mãi thấy thân thương đến vô cùng!
Nguồn TRT