Nhịp điệu cuộc sống
Phố cổ Huế, càng cứu càng… rối!
07:58 | 12/09/2014

Công tác phục hồi hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội đã được tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt ra từ rất lâu. Nhiều giải pháp đã được đề xuất và áp dụng vào thực tiễn. Nhưng cho đến nay, hai khu phố cổ vẫn lụi tàn nhanh chóng đến mức người dân Huế lẫn khách du lịch cũng phải… giật mình.
 

Phố cổ Huế, càng cứu càng… rối!

Lịch sử vàng son của hai khu phố cổ

Theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, khu phố cổ Gia Hội được hình thành từ sau ngày các chúa Nguyễn di dời thủ phủ xứ Đàng Trong từ thành Hóa Châu vào Kim Long (1636) và Phú Xuân (1687). Khi nhà Nguyễn thành lập (1802), khu phố cổ Gia Hội đã phát triển nhanh chóng, trở thành một phố thị đông đúc.

“Điểm danh” các di tích ở Gia Hội sẽ thấy một loạt dinh thự của các ông hoàng, bà chúa, các quan chức cao cấp trong triều đình Huế, từ Phủ thờ Thượng thư Nguyễn Đình Hòe, Phủ gia Hưng Vương, Phủ bà Chúa Nhất, đến Phủ Vĩnh Tường Quận vương, Ngọc Sơn Công chúa,… Ở đây có chùa Diệu Đế, ngôi quốc tự thứ ba ở Huế và được vua Thiệu Trị liệt hạng là một trong “hai mươi thắng cảnh của đất thần kinh”; chùa Trường Xuân được xây dựng dưới thời các chúa Nguyễn; nhà thờ tổ Thanh Bình của ngành hát bội được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia... Đặc biệt, khu phố cổ còn có một kiến trúc nhà ở của người Ấn Độ duy nhất sót lại ở Huế.

Các hội quán người Hoa ở phố cổ Gia Hội được bảo tồn rất tốt nên vẫn giữ được vẻ đẹp xưa. Tuy nhiên, đây có lẽ là một trong số ít kiến trúc cổ ở phố cổ Gia Hội còn bảo tồn được nguyên trạng

Đối với phố cổ Bao Vinh, đây từng là một thương cảng nhộn nhịp nhất của xứ Huế với hàng hóa hết sức đa dạng, ngoài lụa là gấm vóc còn các sản vật như ngà voi, đường, quế, thuốc nhuộm, vải vóc, đồ sành sứ, mỹ nghệ bằng ngà... với rất nhiều ngôi nhà cổ tương tự Hội An. Nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê từng thừa nhận: “Đến Huế, mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”. Còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì cho rằng “nhà vườn Huế là nơi cư ngụ của tâm hồn, là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau…”.

Phố cổ dần thành... “phố mới”

Vào thời điểm trước năm 2002, tức là trước khi nhà nước “vào cuộc” phục hồi khu phố cổ Gia Hội thì hơn 60% địa điểm của phố cổ này đã bị hiện đại hóa, tháo dỡ hay bán đi, khoảng hơn 40% điểm di tích là còn “khả dĩ có thể khôi phục được”.

Trên thực tế, trước kỳ Festival Huế 2002, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bỏ cả số tiền lớn để nâng cấp và bảo tồn khu phố cổ Gia Hội, với tham vọng tạo nên “một Hội An của Huế”, khuôn mẫu cho mô hình “bảo tồn phố cổ trong lòng đô thị hiện đại”. Tuy nhiên, trong thực tế thì kết quả ngược lại.

Thí dụ đường Chi Lăng được phủ thảm nhựa dài hơn 2 km, hai hè đường được bó vỉa bằng đá thanh cao và trải gạch cao ngất ngưởng, cùng với hai hàng cột đèn cao áp kiểu Tây. Không một ngôi nhà cổ nào ở đoạn đường này được đưa vào danh sách bảo tồn. Trái lại, nhà cao tầng lại được xây mới hàng loạt bên cạnh một vài ngôi nhà xưa sót lại.

Hai ngôi nhà cổ nằm sát nhau ở đường Chi Lăng, thuộc phố cổ Gia Hội. Ngôi nhà bên phải đã xuống cấp nghiêm trọng, phía trước dùng làm nơi bán bún bò Huế (ngôi nhà 157 Chi Lăng của ông Lê Xương Thần). Ngôi nhà bên trái đã xây lầu theo kiểu châu Âu ở phía sau khuôn viên

Đối với thị trấn Bao Vinh, tình trạng cũng chẳng khả quan hơn. Theo thống kê, tại thời điểm năm 1991 khu phố này vẫn còn 39 ngôi nhà cổ. Rút “kinh nghiệm” của phố cổ Gia Hội, ngày 28/10/2003, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra hẳn một quyết định về quy hoạch xây dựng và bảo tồn khu phố cổ Bao Vinh. Theo đó, UBND xã Hương Vinh không cho phép xây dựng nhà mới trong khu phố cổ Bao Vinh. Với nguyên tắc đó, dù một số nhà có “thâm niên” hơn 200 năm tuổi sắp sập nhưng người dân phố cổ đành lưỡng lự “đi thì dở mà ở cũng chẳng hay”. Bởi hầu hết người dân Bao Vinh không có đủ tiền để sửa sang nhà cửa.

Do đó, hiện tại, dù Bao Vinh đã được tỉnh đưa vào cụm di tích xếp hàng thứ hai về sự ưu tiên bảo tồn trong quần thể di tích Cố đô Huế (chỉ sau Kinh thành Huế và các lăng tẩm) thì số nhà cổ chỉ còn vỏn vẹn 15.

Ông Lê Xương Thần, 72 tuổi, chủ nhân ngôi nhà cổ số 157 Chi Lăng, cho biết: “Hồi tôi còn trẻ, không chỉ Gia Hội, Bao Vinh là phố cổ mà hầu như Huế toàn là nhà cổ, kể cả Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Huỳnh Thúc Kháng. Tôi ở đây lâu nhưng chỉ có sinh viên kiến trúc các trường đại học ở Huế, ở TP.HCM đến xin vẽ kiến trúc chứ chính quyền thì chưa lần nào. Tôi nhớ có lần ông Nguyễn Xuân Hoa nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL Thừa Thiên-Huế,  đưa ra khát vọng về ý tưởng phục hồi phố cổ Gia Hội để du lịch Huế theo kịp Hội An nhưng cũng không thành công”.

Cứu phố cổ: cần lắm những ý tưởng

Nói về dự án bảo tồn Bao Vinh, ông Nguyễn Xuân Hoa, xác nhận là việc khôi phục lại vô cùng khó khăn vì ngoài việc không có vốn thì chúng ta cũng chưa có một chiến lược cụ thể và quyết tâm cao.

Năm 2008, Đại học Huế đã trao cho các sinh viên Quách Đạo Quang, Phạm Xuân Quỳnh Giao giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo đồng hành cùng cuộc sống” về đề tài “Phố Huế xưa - Phim trường mới - Khu du lịch mới”. Khi đó, theo đánh giá của một vị lãnh đạo địa phương, ý tưởng này “tuy mới” nhưng “khó có thể khả thi”.

Thật ra, việc phục hồi phố cổ và biến dãy phố này thành một khu phố ẩm thực; một làng nghề thủ công truyền thống; một phim trường; một khu phố với các trò chơi dân gian xứ Huế; một khu phố với những tửu quán, rạp hát, các gánh xiếc, các lớp học xưa, các nhà thuốc y học cổ truyền, lò võ cổ truyền; một khu chợ xưa… để phục vụ du lịch, điện ảnh, vui chơi giải trí cho người dân xứ Huế và du khách thập phương không phải là không thể thực hiện được. Vấn đề là các giải pháp hồi phục hai khu phố cổ ra sao để có thể áp dụng vào thực tiễn một cách khả thi và tôn trọng được luật bảo tồn di sản.  Hiện tại, các di tích cấp quốc gia ở Huế như: các hội quán của người Hoa, chùa Diệu Đế đã được bảo tồn rất công phu và kỹ lưỡng. Vậy tại sao không học tập để nhân rộng, tăng cường sự bảo tồn này lên? Và nếu Thừa Thiên-Huế kết hợp tổ chức quảng bá hình ảnh hai khu phố cổ hay tổ chức các hoạt động du lịch - lễ hội tại hai khu phố cổ một cách thường xuyên, các tour du lịch đưa du lịch phố cổ vào lịch trình, thì chắc hẳn ý thức người dân trong việc giữ gìn hai khu phố này sẽ không yếu kém như hiện nay. Đáng tiếc là từ sau Festival Huế 2002, hai khu phố cổ đang dần bị lãng quên và không được đưa vào chương trình Festival Huế nữa.

Nguồn báo Thể thao văn hóa

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng