Dự trữ hàng hóa mùa bão lụt năm nay được tỉnh, ngành Công Thương triển khai thực hiện từ sớm. Có 4 doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt cho tỉnh, với thời gian dự trữ từ 15/8 đến 15/12/2014.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được tỉnh cam kết hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng; đồng thời hỗ trợ các chi phí khác như lưu kho, bảo quản và hao hụt theo định mức quy định. Hiện nay các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ lượng hàng hóa, đồng thời có kế hoạch kinh doanh, đưa hàng hóa đến các vùng sâu vùng xa trong mùa bão lụt.
Tại kho hàng của doanh nghiệp tư nhân Vạn Thành ở số 294 đường Tăng Bạt Hổ thành phố Huế, những ngày này hàng hóa của doanh nghiệp đã dự trữ khá đầy đủ với nhiều mặt hàng thiết yếu cho mùa lụt bão. Hệ thống kho hàng cũng vừa được đơn vị nâng cấp, chỉnh trang chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn để chứa hàng hóa khi vào mùa mưa. Bà Phan Thị Lan Anh – Phụ trách kinh doanh DN tư nhân Vạn Thành cho biết, như mọi năm, năm nay Vạn Thành tham gia dự trữ hàng hóa phòng chống lụt bão cho tỉnh với số lượng 30 tấn mì ăn liền. Đồng thời doanh nghiệp còn thường xuyên dự trữ tại kho khoảng trên 100 tấn hàng hóa các loại gồm mì ăn liền, sữa, bột mỳ, nước mắm. nước uống, dầu ăn…cùng một số mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng khác. Doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường đội ngũ nhân viên với 9 xe tải và phương tiện xe máy để sẵn sàng vận chuyển hàng hóa về hệ thống cửa hàng bán sĩ và lẻ trong toàn tỉnh, đặc biệt là các vùng núi, vùng biển, đầm phá để kịp thời phục vụ người tiêu dùng khi có bão lụt xảy ra. Còn tại Xí nghiệp Thành Lợi, ngoài dự trữ 35 tấn mì ăn liền dự trữ theo cam kết, ông Lê Minh Lợi còn cho biết đơn vị đầu tư gần 7 tỷ đồng dự trữ một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ bão lụt như sữa, dầu ăn, cá hộp, nước giải khát… nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường và đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trên địa bàn tỉnh khi có bão lụt xảy ra.
Cùng với Vạn Thành, Thành Lợi, có 2 doanh nghiệp khác cùng tham gia dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt của tỉnh năm 2014 là Cty TNHH Thái Đông Anh, Cty TNHH một thành viên Lương thực Thừa Thiên Huế. Tổng số hàng hóa dự trữ theo hợp đồng với sở Công Thương gồm 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền với tổng kinh phí trên 4 tỉ đồng. Hiện tại số lượng hàng hóa này đã đảm bảo dự trữ đầy đủ trong kho của các doanh nghiệp. Đồng thời các doanh nghiệp còn có kế họach dự trữ hàng hóa riêng cho đơn vị mình và hiện nay tại các kho hàng đều đã tập kết nhiều loại hàng hóa thiết yếu như gạo, mì ăn liền, dầu ăn, sữa, bột mỳ, nước mắm…cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Mỗi đơn vị đều có kế họach dự trữ, tăng cường phương tiện vận chuyển hàng hóa về các huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng cung cấp hàng hóa cho hệ thống hàng nghìn đại lý, cửa hàng bán sĩ và lẻ trong toàn tỉnh, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt khi có nhu cầu.
Như vậy đến thời điểm hiện nay lượng hàng hóa dự trữ mùa bão lụt của tỉnh được các doanh nghiệp thực hiện đúng hợp đồng, đồng thời nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại khác trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường dự trữ hàng hóa lưu thông để chủ động nguồn hàng kinh doanh trong mùa bão lụt. Hàng hóa dự trữ này sẽ góp phần rất lớn trong việc bình ổn giá cả thị trường, hạn chế tình trạng tư thương lợi dụng thời điểm bão lụt để găm hàng nâng giá gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ông Phan Hùng Sơn - Trưởng phòng Quản lý thương mại – Sở Công Thương cho biết, cùng với các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa cho tỉnh, các doanh nghiệp thương mại lớn như Co.op mart, Big C Huế...đều có kế hoạch kinh doanh và dự trữ hàng hóa thiết yếu trong mùa bão lụt. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai công tác dự trữ hàng hóa tại chỗ, theo từng cấp huyện, thị xã; cấp phường, xã. Tại hai huyện vùng núi Nam Đông và A Lưới, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ động dự trữ tại chỗ một số mặt hàng thiết yếu, trong đó số lượng dự trữ cho mỗi huyện gồm 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác.
Mùa lụt bão đang đến, cùng với sự chuẩn bị lượng hàng dự trữ của tỉnh và một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các địa phương cần thực hiện chủ động hợp đồng dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt tại địa phương, cơ sở mình; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt ở các cấp đến doanh nghiệp, người dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, nhằm đảm bảo đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khi có bão lụt, chia cắt giao thông xảy ra.
Theo TRT