Chiều ngày 20/10/2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp Hội đồng Nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị múa truyền thống trong lễ hội Aza Kooh của dân tộc Tà Ôih, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế". Đ/c Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì cuộc họp cùng với thành viên Hội đồng là các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, cán bộ quản lý các ngành liên quan.
Múa truyền thống trong lễ hội Aza Kooh là một môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tà Ôih, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thể hiện ước muốn của người Tà Ôih về cuộc sống thanh bình, ấm no hạnh phúc. Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị múa truyền thống trong không gian lễ hội Aza Kooh nhằm sưu tầm, phục dựng lại nguyên bản một cách sống động giá trị truyền thống của lễ hội này; qua đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôih, phát triển điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế xã hội huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quá trình thực hiện đề tài, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng được bộ hồ sơ khá đầy đủ thông qua việc khảo sát, nghiên cứu về những điệu múa trong lễ hội Aza Kooh của người Tà Ôih. Đề tài đã trình bày rõ nét các thông tin, hình ảnh về tên gọi, loại hình, lịch sử hình thành và phát triển, quy trình thực hành điệu múa; giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; nêu lên một số thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với Đài PTTH tỉnh sản xuất phim tư liệu khoa học "Những điệu múa trong lễ hội Aza Kooh của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế", hệ thống hóa một cách khoa học, bài bản những nội dung, giá trị đặc trưng của di sản văn hóa này.
Hội đồng nghiệm thu hoan nghênh các thành viên thực hiện đề tài đã hoàn thành khá tốt những yêu cầu đặt ra; đề tài đáp ứng được giá trị khoa học trong hoạt động nghiên cứu và thể hiện tính ứng dụng thực tế cao. Hội đồng cũng đề nghị những người thực hiện đề tài bổ sung về các yêu cầu kỹ thuật múa trong từng động tác, các thông tin về hoạt động truyền dạy điệu múa trong đồng bào dân tộc Tà Ôih; giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của điệu múa cũng như lộ trình đưa vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn vùng núi...
Việc hoàn thiện đề tài khoa học "Những điệu múa trong lễ hội Aza kooh của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế" sẽ góp phần vào việc phát huy công cuộc bảo vệ di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo Sở VHTT&DL