Theo Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên-Huế, không có căn cứ để khẳng định căn hầm tại 191 Trần Hưng Đạo (phường Phú Hòa, TP.Huế) là nơi hoạt động bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đã có sự thêu dệt làm ảnh hưởng đến danh dự cố Đại tướng.
Không có cơ sở
Thời gian qua, một số tờ báo đăng bài phản ánh việc ông Mai Văn Huế - người trông coi ngôi nhà 191 (số 95A cũ) Trần Hưng Đạo (phường Phú Hòa, TP.Huế) - phát hiện ra căn hầm từng là nơi hoạt động bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong thời kỳ chống Pháp tại ngôi nhà này.
Qua chuyện căn hầm, các báo nói về mối tình của Đại tướng với bà Hồ Xuân Mai - người con gái thứ 2 của ông Hồ Diễn (còn gọi là Thái Lợi), một đại tư sản sinh sống ở ngôi nhà này thời kỳ đó. Trước thông tin này, Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Bảo tàng Lịch sử và cách mạng tỉnh vào cuộc kiểm tra, xác minh. Kết quả khảo sát thực tế căn hầm, gặp gỡ nhân chứng, tham khảo tư liệu lịch sử… cho thấy, thông tin trên không có cơ sở và là sự thêu dệt.
Ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế cho biết: Qua khảo sát thực tế căn hầm, Bảo tàng nhận định các vật liệu xây dựng căn hầm này tương đối mới, không phải là vật liệu của thời kỳ 1945 như lời của ông Mai Văn Huế và Mai Ngân - nguyên điệp báo Ty Công an Thừa Thiên - Huế cung cấp cho báo chí. Theo UBND phường Phú Hòa, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhất là giai đoạn 1968-1975, hầu hết các nhà dân ở khu vực phường đều có hầm trú ẩn để tránh bom đạn. Vì vậy, việc gia đình ông Hồ Diễn đào một căn hầm để tránh bom đạn là việc làm bình thường trong chiến tranh.
Mặt khác, qua tra cứu các tư liệu lịch sử liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chưa có tài liệu nào nói về căn hầm bí mật che giấu Đại tướng và kho vũ khí bí mật cũng như việc căn nhà 191 Trần Hưng Đạo từng là nơi hội họp của Ủy ban Kháng chiến và Ban Tình báo Liên khu V. Các nhân chứng từng hoạt động cách mạng trong giai đoạn này như ông Mai Thạch Vân- nguyên điệp báo Ty Công an Thừa Thiên - Huế, Lê Bình- nguyên Trưởng Công an Thừa Thiên- Huế… đều khẳng định chưa từng nghe thông tin về căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở địa điểm trên.
Thông tin thiếu căn cứ
Trong khi đó, UBND phường Phú Hòa cũng khẳng định thông tin ông Huế và ông Ngân cung cấp cho báo chí là thiếu căn cứ. Chính quyền phường này cho biết, ông Ngân cung cấp thông tin trong điều kiện trí tuệ không minh mẫn và có người đã lợi dụng ông có công trong 2 cuộc kháng chiến để giật dây nhằm thực hiện dụng ý khác. Bản thân ông Huế sinh năm 1957, thì thời điểm 1945 - 1946 ông Huế không thể là nhân chứng biết tường tận căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và ngôi nhà 95A (cũ) Trần Hưng Đạo là cơ sở cách mạng đầu tiên ở Thừa Thiên- Huế.
Theo ông Cao Huy Hùng, những chi tiết về đời tư của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà ông Huế cung cấp cho báo chí là sự thêu dệt có dụng ý. Bởi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quen và yêu bà Nguyễn Thị Cúc từ năm 1934 và đến năm 1946 thì làm lễ cưới. Với tư cách, phẩm chất đạo đức, cương vị công tác thời điểm 1945-1946, có thể khẳng định chuyện về mối tình của Đại tướng với bà Hồ Xuân Mai như lời kể của ông Huế và ông Ngân là sự thêu dệt nhằm dụng ý khác. “Điều này xúc phạm đến danh dự cá nhân và gia đình cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”- ông Hùng nói.
Theo Dân Việt