Nhịp điệu cuộc sống
Tìm giải pháp bảo tồn di sản Quần thể di tích Cố đô Huế
14:56 | 27/10/2014

Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn TP Huế và 3 huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ. Những năm qua, Nhà nước và địa phương đã chi hàng ngàn tỷ đồng để quy hoạch tổng thể, bảo tồn giá trị văn hóa – lịch sử của những di tích này. Tuy nhiên, đến nay, vì nhiều lý do khác nhau nên không ít di tích đã và đang xuống cấp, hư hại... 

Tìm giải pháp bảo tồn di sản Quần thể di tích Cố đô Huế
Sự cố Di tích Phu Văn Lâu bị sập góc mái là bài học nhãn tiền trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích ở Thừa Thiên - Huế.

Tồn tại gần 1,5 thế kỷ, triều Nguyễn đã để lại trên mảnh đất xứ Huế một khối lượng di sản “khổng lồ” bao gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc gỗ độc đáo cả về giá trị lịch sử lẫn văn hóa. Ngay sau khi xảy ra sự cố Di tích Phu Văn Lâu - một trong 3 công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử tiêu biểu, đại diện cho Di sản Huế bị sập một góc mái khi 4 vài kèo nâng đỡ phần mái của di tích bị gãy đổ hoàn toàn vào sáng 15/5, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế lý giải, nguyên nhân dẫn đến sự đổ sập mái Phu Văn Lâu là do các cột gỗ đã bị mục ruỗng, mất tính năng chịu lực và một phần là do đơn vị thiếu kinh phí trùng tu (!?)…

Nhiều chuyên gia cùng các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế cho rằng, nếu Trung tâm BTDT Cố đô Huế không có biện pháp bảo tồn kịp thời thì trong tương lai không xa, nhiều di tích khác thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế có thể rơi vào tình cảnh tương tự. Đơn cử là di tích Nghinh Lương Đình có nhiều cấu kiện, kiến trúc bằng gỗ đang trong tình trạng mục ruỗng. Ngoài ra, nhiều kiến trúc có kết cấu bằng gỗ ở Điện Thái Hòa, Thế Miếu trong Hoàng thành Huế cũng bị xuống cấp. Rồi một số công trình bằng gỗ ở Khiêm Cung Môn, Lương Khiêm Điện, Minh Khiêm Đường thuộc di tích lăng vua Tự Đức cũng đang phải chực chờ “đến lượt” để tu sửa...

Trước thực trạng trên, các đại biểu đến từ Ủy ban Di sản Thế giới; Văn Phòng UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia ICOMOS Nhật Bản tham dự tại hội thảo quốc tế “Bảo tồn di sản kiến trúc gỗ châu Á nhìn từ Việt Nam và Nhật Bản - Xây dựng kế hoạch quản lý di sản Huế” do Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Hội Kiến trúc sư, kỹ sư Nhật Bản phối hợp với Trung tâm BTDT Cố đô Huế tổ chức tại TP Huế vào sáng 25-10 đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các phương pháp tối ưu trong việc quản lý, tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích kiến trúc gỗ theo tinh thần Công ước quốc tế và Luật Di sản văn hóa. Bàn về công trình kiến trúc gỗ thuộc các di tích nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế, PGS.TS. Đặng Văn Bài, thành viên Ủy ban Di sản thế giới bày tỏ những băn khoăn về công tác duy trì lâu dài chất liệu và cấu trúc gỗ.

Ông Bài cho rằng, do các di tích ở Huế nằm đan xen với khu dân cư nên thường gánh chịu “áp lực” trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và những biến đổi của môi trường tự nhiên. Vì thế, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần thiết lập khu bảo vệ “vùng lõi và vùng đệm” bao quanh khu Di sản Huế. Đặc biệt cần sớm giải tỏa các hộ dân cư trú trái phép trong khu vực Thượng Thành, thuộc Kinh thành Huế. Trong khi đó, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn Phòng UNESCO Việt Nam đề xuất giải pháp quản lý tổng thể di sản Huế, rằng: “Để bảo tồn tốt các di sản thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế cần chú trọng hơn nữa đến những yếu tố “thiên tạo” và “nhân tạo” ảnh hưởng tới di sản. Trong đó, việc quản lý du khách và giảm nhẹ các nguy cơ thảm họa vốn được xem là những ưu tiên hàng đầu trong quá trình bảo tồn di sản Huế”.

Trước thực trạng nhiều di tích có kiến trúc bằng gỗ đang ở trong tình trạng “nguy hiểm”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế còn cho biết, mỗi năm ngân sách trùng tu di tích Huế được cấp khoảng 90 tỷ đồng, trong đó Chính phủ hỗ trợ 40 tỷ đồng; 6 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và số còn lại được trích từ tiền bán vé tham quan di tích... nhưng vẫn chưa thể đủ. “Mặc dù thiếu nguồn vốn nhưng trung tâm vẫn đang nỗ lực hết sức để thực hiện công tác phục hồi, tu bổ các di tích, nhất là các công trình kiến trúc bằng gỗ thuộc những di tích quan trọng trong Quần thể di tích Cố đô Huế.

Mới đây, trong dự án trùng tu Long Đức Điện (Thái Miếu), đơn vị đã lập báo cáo khoa học và lần đầu tiên sử dụng vật liệu gỗ nhân tạo Zinko Mokuzai của Nhật Bản để gia cố các cấu kiện gỗ. Đây được xem là một trong những giải pháp tối ưu khi vừa giữ nguyên được cấu kiện gốc của công trình, lại vừa góp phần trùng tu đúng bản sắc văn hóa của triều đình nhà Nguyễn”, ông Hải khẳng định.

Theo CADN

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng