Nhìn những “di sản” hội họa của cố họa sĩ Tôn Thất Đào đang cất giữ tại tư gia khiến người xem tranh không khỏi xót xa. Nhiều tác phẩm mất mát, thất lạc, số còn lại bị xuống cấp, có những bức hư hại trầm trọng.
Xót xa một di sản hội họa
Cố họa sỹ Tôn Thất Đào có 4 người con (3 trai, 1 gái). Hai người con lưu lạc ở nước ngoài, người con út qua đời đã lâu. Người con cả của ông, chồng cô Liên Phương là Tôn Thất Lục - bị tai biến năm 1999 và giờ bại liệt nằm một chỗ.
Vợ chồng cô Liên Phương có hai người con thì người con đầu (con trai, sinh năm 1985) bị khuyết tật; còn người con thứ hai (con gái, sinh năm 1990) thì làm tại thư viện trường Đại học Nghệ thuật Huế.
Theo lời kể của cô Liên Phương, con dâu trưởng của cố họa sỹ Tôn Thất Đào, nhiều tác phẩm bị hư hại, mất mát qua các lần cho mượn triển lãm, lũ lụt. Năm 1997, vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình cũng đã bán đi khoảng 10-15 bức.
Hiện nay, số tranh còn lại khoảng gần 50 bức, treo lẫn với cả những tranh của học trò ông - trong tổng số hàng trăm bức họa sỹ Tôn Thất Đào để lại sau khi qua đời.
Ngoài ngôi nhà rường cổ là từ đường của dòng họ cùng nằm trong khuôn viên, thì trong hai ngôi nhà gia đình đang sinh sống và thờ tự ông bà Tôn Thất Đào tranh treo lộn xộn ở khắp mọi nơi.
Từ gian thờ, nơi tiếp khách, xuống tới chỗ ngủ, bếp... trong điều kiện ẩm thấp, chật chội. Các tác phẩm còn lại cũng không được quản lý, kiểm đếm, không có hồ sơ, không có tên tác phẩm.
Cô Liên Phương cũng không nhớ chính xác trong số những tác phẩm đang treo, tác phẩm nào của họa sỹ, tác phẩm nào của học trò ông, chỉ “hình như” ước lệ. Chỉ có thể nhận ra qua chữ ký ở các tác phẩm, nhưng không phải tác phẩm nào cũng còn nguyên vẹn để nhận ra chữ ký. Người am hiểu hội họa thì có thể nhận ra tác phẩm của họa sỹ Tôn Thất Đào qua đề tài, bút pháp và thần thái tác phẩm.
Hiện tại, người con dâu trưởng của ông, cũng là người quán xuyến cơ ngơi này cũng chỉ biết giữ tranh ở trạng thái như vậy; cùng với 2 cuốn album ảnh chứa những tác phẩm được chụp lại (do bạn bè và học trò ông làm giúp).
Theo kiểm đếm sơ bộ, số tác phẩm được chụp lại trong album gia đình có chừng 150 bức, và hầu như không có thông tin liên quan đến tác phẩm (như tên tác phẩm, chất liệu, kích thước, năm sáng tác).
Biện pháp giữ gìn, bảo tồn duy nhất với số tác phẩm hội họa quý giá còn lại là mỗi năm mang ra phơi nắng một lần để tránh ẩm mốc; còn lại không có gì khác.
Cùng sự góp sức của cộng đồng
Tranh lụa của cố họa sĩ Tôn Thất Đào được xem là có giá trị cao cấp, giới sưu tầm lùng mua nhưng số tranh hiện tại đang được treo ở nhà thờ chẳng đáng là bao.
Riêng mảng tranh sơn dầu, một tranh treo ở bàn thờ còn tốt, những vị trí khác cũng đã bị bong tróc, rách mép, ố màu, bạc màu.
Năm 2012, Cục Mỹ thuật Việt Nam và cán bộ Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch có về xem tranh và dự định phục hồi một số tác phẩm nhưng do gặp khó khăn về nhân lực, vật lực nên không thực hiện được.
Một cán bộ ngành văn hóa cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung về kinh phí thì có thể tìm giải pháp khả thi bằng cách số hóa các bức tranh và tổ chức triển lãm quy mô hay in lịch… để đưa tác phẩm đến gần với công chúng.
Đó cũng là cách làm sống lại những tác phẩm hội họa của người được xem là bậc thầy của mỹ thuật Huế.
Mới đây, khi nêu lên ý kiến của mình trên công luận về việc bảo quản, lưu giữ các tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào, họa sỹ Võ Xuân Huy - giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế - nói: Lâu nay khi đề cập đến chuyện làm sao để bảo quản hoặc lưu giữ các tác phẩm của họa sĩ Tôn Thât Đào, rốt cuộc chúng ta đỗ lỗi cho việc thiếu kinh phí, cơ chế chính sách.
Họa sĩ Tôn Thất Đào là một phần của ký ức TP Huế nói chung và Trường Đại học Nghệ thuật Huế nói riêng, nên dù có khó khăn, eo hẹp về kinh tế, chúng ta cũng phải nghĩ ra cách để bảo vệ.
Cũng theo họa sĩ Võ Xuân Huy, trước tiên cần phát động xã hội hóa để tìm nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, phân loại, đánh giá các tác phẩm hiện có của họa sĩ; bảo quản những tác phẩm còn tình trạng tốt; phục chế những tác phẩm quan trọng nếu kinh phí cho phép; tiến hành thương lượng với gia đình sưu tập một số tác phẩm tốt để lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế trong tương lai; tiến hành lợp ngói chống dột một số vị trí của ngôi nhà hoặc toàn phần,...
Nhiều chuyên gia trong nghề đánh giá, nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời, di sản hội hoạ của họa sỹ Tôn Thất Đào sẽ biến mất trong một thời gian không lâu nữa.
Họa sỹ Tôn Thất Đào (1910-1979) là dòng dõi chúa Nguyễn Phúc Chu (chúa thứ 6 thời các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, còn gọi là Chúa Quốc, được truy tôn là Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế).
Ông cũng là cháu nội của đại thần Tôn Thất Loan – Binh bộ thượng thư kiêm hữu tôn khanh tôn nhơn phủ triều Nguyễn.
Họa sỹ Tôn Thất Đào tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thuộc thế hệ các họa sỹ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông là hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế, nay là Đại học Nghệ thuật Huế.
Ông đã có nhiều công lao với sự nghiệp đào tạo họa sỹ nơi đây, và được đánh giá là một trong những người có đóng góp lớn trong tiến trình phát triển mỹ thuật ở xứ Huế - miền Trung và nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Hoạ sỹ Tôn Thất Đào sáng tác trên nhiều chất liệu: Sơn dầu, bột màu, chì màu, thuốc nước trên giấy dó - lụa... và được coi là bậc thầy về chất liệu lụa. Các sáng tác của ông thấm đượm tinh thần dân tộc và màu sắc phương Đông, đặc biệt là nhiều tác phẩm vẽ về xứ Huế; có giá trị cao về cả lịch sử và nghệ thuật.
|