Nhịp điệu cuộc sống
Giữ xanh cho đô thị di sản Huế
08:03 | 06/11/2014

Là thành phố văn hóa, thành phố bền vững về môi trường của ASEAN, việc chọn hướng phát triển của đô thị Huế là câu chuyện đã và đang đặt ra nhằm giữ gìn và phát triển thảm xanh, cảnh quan môi trường của vùng đất lịch sử-văn hóa.

Giữ xanh cho đô thị di sản Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết những năm qua, Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đồng thời, hướng đến phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn tối đa các giá trị vốn có của môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo định hướng “đô thị sinh thái, văn hóa, cảnh quan, thân thiên với môi trường”, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận.

Cụ thể, vào tháng 4/2014, Huế được công nhận là “Thành phố văn hóa của ASEAN”. Đến tháng 6/2014, thành phố này tiếp tục được bình chọn là “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”.

Mang trong mình 2 danh hiệu là thành phố văn hóa, thành phố bền vững về môi trường của ASEAN, Thừa Thiên Huế đang đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, phát triển với mục tiêu phấn đấu đưa toàn tỉnh trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, điều này sẽ dẫn đến những đối kháng nhất định theo quy luật phát triển của đô thị.

Do vậy, chọn hướng phát triển của đô thị Huế trong hiện tại và tương lai là câu chuyện đã và đang đặt ra. Trong đó việc giữ gìn và phát triển thảm xanh, cảnh quan môi trường của vùng đất lịch sử-văn hóa được xem là vấn đề cấp bách trong sự bùng nổ đô thị hiện đại.

Thừa Thiên Huế đang cần xác định cho được một định hướng phát triển sáng tạo mới, một phương án quy hoạch xây dựng tổng thể, đi kèm với một chiến lược bảo tồn và phát triển phù hợp. Trong đó phải ưu tiên bảo tồn và cải tạo cảnh quan môi trường vùng lõi di sản là thành phố Huế với quy chế quản lý đặc biệt để bảo vệ di sản và môi trường.

Theo PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển TPHCM, Thừa Thiên Huế cần rút kinh nghiệm từ những đô thị trong nước và thế giới để đảm bảo sự hài hòa, trong đó ưu tiên những thảm xanh, những cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái.

“Một con sông, con suối, kênh rạch, ao hồ sinh thái, một thảm xanh tự nhiên mỗi khi đã nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng thì sẽ không bao giờ có lại được”, bà Trân cho biết.

Điển hình dễ nhìn thấy là ở TPHCM. Khi đô thị hóa thiếu sự cân bằng, một phần kênh rạch của thành phố bị lấp đi hoặc ô nhiễm nặng. Đây là nhãn tiền để Thừa Thiên Huế lấy làm bài học trong quá trình đô thị hóa cần đảm bảo môi trường và cảnh quan đô thị.

Huế là thành phố di sản hiện hữu, đồng bộ và đặc sắc của Việt Nam. Trong đó thiên nhiên là di sản, thể hiện bản sắc riêng của đất trời Thừa Thiên Huế, được nhân văn hóa theo kiểu Huế. Coi thiên nhiên là di sản là xuất phát điểm để chúng ta vẽ nên thành phố đẹp hơn trong tương lai.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, Hội kiến trúc sư Việt Nam-Canada: Huế cần bảo tồn riêng từng khu đô thị di sản. Không chỉ cải tạo để thích ứng với cuộc sống mới, mà vẫn duy trì đặc điểm tổ chức không gian cũ như phường nội thành, các khu Gia Hội, Bao Vinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Thủy Biều...

Tiếp đến là bảo tồn các vùng cảnh quan 2 bên bờ sông Hương, các đồi Vọng Cảnh, Thiên An… Tuyệt đối không cho phép xây dựng những công trình phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Phải mạnh dạn nói “không” với xu hướng xây dựng xen cấy, tăng độ cao và phá vỡ không gian cảnh quan bên bờ sông Hương.

Theo chinhphu.vn

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng