Ngày 12.11 tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) diễn ra cuộc tọa đàm khoa học “Hiện tượng vàng mã, lịch sử và những vấn đề quan tâm hiện nay” do Ủy ban MTTQ VN TP.Huế tổ chức.
Đại đức Thích Viên Chiếu (chùa Quảng Tế, TP.Huế) cho biết tục đốt vàng mã thực ra có từ thời Trung Quốc cổ đại. Thượng tọa Thích Huệ Phước (Phó trưởng ban Trị sự kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Thừa Thiên-Huế) khẳng định tục đốt, rải vàng mã bắt nguồn từ Trung Quốc, không thuộc về văn hóa VN và càng không phù hợp với tinh thần từ bi trí tuệ của Phật giáo.
Mặc dù được xuất phát từ Trung Quốc nhưng trải qua quá trình lịch sử ảnh hưởng lâu đời, tục đốt vàng mã trở nên phổ biến và không thể thiếu trong lễ nghi của người Việt. Ý nghĩa của việc đốt vàng mã là mong muốn cung cấp cho người đã khuất những vật dụng cần thiết để sử dụng ở cõi âm như lúc còn sống.
Theo ý kiến của các nhà chuyên môn tại buổi tọa đàm, ngày nay tục đốt vàng mã đã biến tướng đến mức khôi hài đáng báo động. Các cơ sở sản xuất vàng mã đã “năng động” đến mức làm ra các sản phẩm thời thượng từ ô tô, xe máy, điện thoại thông minh, tiền đồng, USD, tiền ngân hàng địa phủ cho đến cả người mẫu, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng… để phục vụ nhu cầu của người dùng. Trong các lễ nghi tang ma, hiếu nghĩa, người ta không chỉ đốt vàng mã truyền thống mà còn phung phí hàng chục, có khi hàng trăm triệu cho việc đốt vật dụng vàng mã. Đường phố đầy rác vàng mã sau mỗi đám tang đi qua. Những dòng sông, đình miếu đầy rác thải sau mỗi mùa lễ hội. Không ít vụ cháy rừng từ việc đốt vàng mã khi viếng mộ…
Tuy vậy, các giải pháp về hành chính để hạn chế thực trạng này hầu như không khả thi. Từ tọa đàm, nhiều đại biểu đồng tình việc cần thiết phải có giải pháp đồng bộ của toàn xã hội từ chính quyền đến các tổ chức tôn giáo cùng vào cuộc để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu biết và đưa ra quyết định, hành động phù hợp, đúng mực.
Theo báo Thanh Niên