Nhịp điệu cuộc sống
Người A Roàng làm "công nghiệp không khói"
15:31 | 13/11/2014

ách đây vừa tròn 2 năm, Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông chính thức khai trương và đưa vào hoạt động nhà sinh hoạt cộng đồng tại bản A Ka A Chi thuộc xã biên giới A Roàng (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế). Sự kiện này đã mở ra những cơ hội mới để cộng đồng người Tà Ôi, Cơ Tu ở đây cùng hưởng lợi từ du lịch...

Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn

Được sở hữu dải đất rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn với diện tích hàng ngàn héc-ta cùng hệ động vật, thực vật quý hiếm, với nhiều thác cao, vực sâu đẹp đến ngỡ ngàng, lại có đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua, A Roàng ngày càng được mọi người biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, không thể bỏ qua trong mỗi chuyến lữ hành khám phá vùng đại ngàn A Lưới. Nhờ vậy, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có một hướng làm kinh tế mới, thay vì dựa vào tài nguyên rừng đang ngày một cạn kiệt.

Đến với A Roàng, du khách có thể tiếp cận được những lễ hội truyền thống của đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu, mà đặc sắc nhất là lễ hội đâm trâu, lễ mừng lúa mới... Không chỉ được đắm mình vào không gian rộn ràng tiếng cồng, tiếng chiêng, khách du lịch còn có dịp khám phá, tìm hiểu kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi với nhiều bài hát giao duyên, điệu múa, truyện kể được truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác mang nhiều ý nghĩa văn hóa tộc người...

Cho đến bây giờ, đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu sinh sống ở A Roàng vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo của mình. Họ cởi mở đón tiếp khách thập phương đến với bản làng như với những người bạn thân thiết. Đặc biệt, đồng bào đã chứng tỏ mình biết làm du lịch, khi mà rất nhiều hộ gia đình, nhất là ở bản A Ka A Chi tham gia quảng bá văn hóa của dân tộc mình đến với du khách. Có thể hình dung, mạch nguồn văn hóa Cơ Tu, Tà Ôi đã lan tỏa trong tâm trí của các du khách khi đến với A Roàng, vùng đất vốn một thời nổi tiếng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, qua tâm sự của chị Boi Xa-ra, một du khách đến từ Ca-li-phoóc-ni-a, Mỹ: "Đến đây, chúng tôi vô cùng thích thú vì được tận mắt xem cư dân địa phương đan lát, dệt thổ cẩm.

Những sản phẩm độc đáo, đặc trưng sắc thái văn hóa địa phương được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công đã trở thành món quà lưu niệm vô cùng giá trị trong hành trình của chúng tôi đến với Việt Nam. Đặc biệt, cảm giác được ngả mình trong dòng suối nước nóng tự nhiên chứa nhiều thành phần khoáng chất có giá trị chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe thật là tuyệt vời...". Theo chị Boi Xa-ra, khung cảnh ở A Roàng vào buổi hoàng hôn, hay bình minh khi nhìn ngắm qua những ô cửa của ngôi nhà cộng đồng truyền thống, chiếu thẳng ra vùng núi non hiểm trở vô cùng lãng mạn. Bên những dòng suối lặng lẽ chảy, cảm giác bình yên, tĩnh lặng là một trong những món quà đặc biệt của vùng đất này dành tặng cho du khách, nhất là du khách ngoại quốc như vợ chồng chị.

Riêng cặp vợ chồng trẻ mới cưới Nguyễn Minh Hồng - Lê Thu Trà, đến từ Hà Nội lại nói về lý do chọn A Roàng là một trong những "bãi đáp" của hành trình du lịch Cố đô Huế trong tuần trăng mật của mình. Theo họ, văn hóa ẩm thực của người Cơ Tu, Tà Ôi ở A Roàng rất đặc trưng, có lẽ chỉ được tìm thấy ở vùng đại ngàn Trường Sơn. "Đầu tiên phải kể đến những món ăn nấu từ thịt trâu, thịt bò rồi đến các loại cơm lam, cơm nếp lam, cá, thịt nấu trong ống nứa. Rồi các loại bánh và rượu cần, rượu tà vạt được những người phụ nữ trong bản tự tay chế biến để phục vụ du khách. Thật là hấp dẫn..." - Cô gái trẻ Lê Thu Trà kể đầy hào hứng. "Thật là thú vị khi được tham gia đốt lửa trại giao lưu với người dân A Ka A Chi. Từ trẻ em, trai làng đến các mẹ, các chị và cả người già, ai cũng niềm nở, nhiệt tình với khách. Những giây phút chủ và khách cùng ca hát, nhảy múa tưng bừng, tất cả đã hòa làm một, lòng người miền xuôi và miền ngược cũng hòa làm một..." - Anh Nguyễn Minh Hồng tiếp lời.

Hướng tới cách làm du lịch chuyên nghiệp

Nói về mô hình du lịch cộng đồng - sinh kế mới của đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi ở A Roàng, ông Pơ Loong Phương, Chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết, lần đầu tiên, trên địa bàn xã có một công trình mang đầy ý nghĩa văn hóa, đồng thời lại có giá trị kinh tế như nhà cộng đồng do Ban thực hiện dự án phát triển du lịch Mê Kông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư xây dựng (quy mô 2 tầng, kiểu nhà rông truyền thống, với tổng mức đầu tư gần 800 triệu đồng). "Nhờ công trình này, việc giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc tại địa phương có điều kiện để phát huy hơn.

Hiện nay, mỗi tháng có từ 4 đến 5 đoàn khách du lịch đến A Roàng với số lượng mỗi đoàn hàng chục người. Con số đó chưa phải là lớn, nhưng sẽ mở ra một cơ hội mới cho địa phương trong việc tạo sinh kế cho người dân, giúp giảm sức ép và phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời, giúp bà con nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cảnh quan và góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc" - Chủ tịch Pơ Loong Phương khẳng định.

Còn anh Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Huế Tourist, một trong những doanh nghiệp lữ hành rất nhiệt tình trong việc kết nối các đoàn khách quốc tế với A Roàng cho biết, vùng đất này rất có thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh và du lịch mạo hiểm. Thời gian tới, để "công nghiệp không khói" ở A Roàng thêm khởi sắc, các ban, ngành chức năng địa phương cần hỗ trợ năng lực, đào tạo, tập huấn để người dân có những kỹ năng làm du lịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần được khuyến khích trong việc hỗ trợ với người dân, để họ có hướng hợp tác thích hợp. "Khi có thu nhập, đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Roàng sẽ không bị phụ thuộc vào rừng và từng bước góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường" - Giám đốc Trần Quang Hào chia sẻ.

Theo bienphong.com

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng