Ở nhà sinh hoạt cộng đồng khu vực 5 phường Hương Sơ, thành phố Huế có một lớp học tình thương do cô Nguyễn Thị Hồng và cô Nguyễn Thị Huệ phụ trách. Có mặt hơn 6 năm nay, hiện lớp học có 33 cháu là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ dân tái định cư vạn đò và trẻ mồ côi theo học mỗi ngày một buổi sáng, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
Xuất phát từ tình thương, trách nhiệm
Đây là lớp học tình thương với đúng nghĩa của nó bởi cô giáo phụ trách lớp đã từ tình cảm, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội mà theo công việc này. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hồng ở lớp học tình thương phường Hương Sơ: Năm 2000, từ sự tài trợ của Plan, (một tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng), thành phố Huế đã thành lập được 27 lớp học tình thương cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nơi học tập. Cô Hồng đã tham gia làm giáo dục viên cho những lớp học này. Qua một thời gian, chỉ còn 4 đến 5 lớp tồn tại. Phần do số lượng các cháu theo học ít, phần do đội ngũ giáo dục viên không theo nổi với công việc vốn mang tính từ thiện. Tâm huyết với nghề cộng với lòng yêu thương các cháu, cô Hồng đã bám trụ với lớp học tình thương cho đến nay tròn 14 năm.
Công việc giáo dục viên lớp học tình thương của cô Hồng thật không dễ tí nào. Cô Hồng cho biết: Mỗi tháng cô được nhận từ 900 nghìn đồng đến một triệu đồng tiền hỗ trợ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố, coi như đây là tiền xăng xe, mình phải bỏ công sức và thời gian để đến với lớp học. Học trò theo học là các cháu với đủ hoàn cảnh khó khăn, nhiều lứa tuổi lại không có một chút kiến thức nên dạy bảo mãi cũng không hiểu, không nghe. Có trường hợp cháu đến lớp rồi nhưng cha mẹ lại không cho đi học nữa, phải ở nhà để phụ giúp việc nhà, trông em nhỏ, đi bán đậu phụng, phồng tôm để kiếm thêm tiền. Những gia đình cha mẹ đều đi làm kiếm sống cả ngày nên đứa lớn mang theo em nhỏ đến lớp học. Một số cháu không được đi học Mầm non, đến đủ tuổi vào lớp Một thì cha mẹ mang đến lớp tình thương giao cho các cô. Tuy nhiên, có một số ông bố, bà mẹ lại mong cô giáo dạy cho con mình biết chữ. Ở đây cô vừa là giáo viên mầm non vừa là giáo viên tiểu học. Các cháu đến lớp được học hát, học múa, học chữ, làm toán, học cách xưng hô, lễ phép, cách ứng xử và tiếp xúc với môi trường sống của cộng đồng. Gặp em Võ Thị Linh nhà ở khu tái định cư Hương Sơ, đang theo học lớp tình thương của cô Hồng thì được biết: “Cháu học ở đây được hơn 3 năm nay. Cô giáo rất thương các em, hàng tuần cô mua bánh, kẹo cho các cháu, động viên các cháu học tập. Hiện em đã viết được đoạn văn, làm được toán và đọc sách”.
Nhìn các em vui vẻ, thích thú ở lớp học, chúng tôi cảm nhận được nơi đây thực sự đã tạo ra một môi trường thư giản, một điểm đến mà tất cả những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương cần đến sau cái khó nhọc đời thường ở gia đình mình.
Tạo được hiệu quả xã hội thiết thức
Với phương châm là học cho đủ “chất”, cô Hồng và cô Huệ ở lớp học tình thương Hương Sơ đã dạy bảo các em ngày một trưởng thành về nhân cách, đạo đức. Cô Hồng nói: Đối với lớp học này không giống với những lớp học ở trường công lập, các cháu phải học sao cho vững về kiến thức từ lớp Một cho đến lớp Năm, không nhất thiết tuổi nào lớp đó. Việc dạy dỗ các em về kiến thức văn hóa không khó nhưng dạy các em ngoan mới khó bởi ở nhà cha mẹ các em không có thời gian quan tâm con cái.
Đánh giá về hiệu quả lớp học tình thương của cô Hồng và cô Huệ phụ trách, anh Lê Kim Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hương Sở cho biết: Việc giải quyết vấn đề xã hội trong đó tình trạng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ cơ nhỡ, mồ côi, trẻ em hộ tái định cư vạn đò là rất khó khăn. Thông qua lớp học tình thương, các em có thời gian học tập, không ra đường để kẻ xấu lợi dụng, học những thói hư, tật xấu. Việc quản lý, giáo dục các em thuận lợi hơn. Ngoài ra, lớp học tình thương đã góp phần rất lớn trong công tác xóa mù chữ và phổ cấp giáo dục tiểu học ở địa phương.
Thực tế thời gian qua, tại lớp học tình thương của cô Hồng, cô Huệ, nhiều em đã hoàn thành chương trình Tiểu học và hòa nhập với trường công lập để tiếp tục học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Trong dịp thăm lớp học vào đầu tháng 11 năm 2014 vừa qua, cô Hồng thông báo tin vui cho chúng tôi là hiện ở lớp học của cô có một số cháu chuẩn bị học xong lớp Năm với kiến thức khá vững. Một số cháu sau khi rời lớp tình thương của cô Hồng đã vào học cấp hai, cấp ba, có cháu học đến Cao đẳng, một số có việc làm thu nhập ổn định hoặc trở thành công dân tốt góp phần phụ giúp gia đình phát triển kinh tế.
Theo TRT