Cùng với sự cáo chung của triều đình nhà Nguyễn, TBCN chỉ còn là “bài bản” kiếm sống của một số nghệ sĩ già và dần thất lạc trong dân gian. Từ sự kích cầu của dự án Bảo tồn nhã nhạc, 2 năm trước đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chính thức lập hồ sơ khoa học, phục dựng lại TBCN
Đãi “vàng” trong nhân gian
TBCN được biểu diễn chủ yếu bằng trống và kèn - hai nhạc cụ đại diện chủ yếu cho dàn Đại nhạc triều Nguyễn. Nếu chia theo chương, TBCN có 5 chương tất cả, trong đó “Tam luân cửu chuyển” (ba hồi trống rung chuyển 9 tầng mây) là phần nhấn quan trọng cùng với chương I tạo thành lời mời mở đầu trang nghiêm. Chương II bao gồm: giá Một, giá Ba, giá Bảy, giá Ký. Chương III: Quân đại. Chương IV: giá Hai và Quân tiểu. Chương V: Mở cờ với tiết tấu rộn ràng.
Toàn bộ quá trình lập hồ sơ được giao cho Phòng Nghiên cứu và đào tạo của Nhà hát nghệ thuật Truyền thống cung đình Huế. Công việc tìm kiếm tư liệu hết sức vất vả. 10 nghệ nhân người Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã cung cấp cho nhóm nghiên cứu một lượng thông tin quý báu về TBCN. Các bản tổng phổ TBCN được các gia tộc ghi chép lại chủ yếu bằng chữ Hán - Nôm, sau đó, truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề lại cho các thế hệ sau. Đặc biệt, do “bí quyết” giữ nghề của các nghệ nhân, nên việc sao chép lại các nguồn tổng phổ phục vụ cho công tác nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Chính tay con trai của nghệ nhân Lữ Hữu Thi là người đã kỳ công thuyết phục và chép lại các bản ký âm từ các nghệ nhân cao tuổi.
Anh Trương Trọng Bình, thành viên của đoàn nghiên cứu nhớ lại: “Nghe ở đâu có người còn biết về TBCN là chúng tôi phải đến ngay. Có lúc phải ngồi chờ 2- 3 giờ sáng ở các buổi tế làng nghe các cụ chơi nhạc, sau đó phải ghi âm, ghi hình, đối chiếu nguồn tư liệu”. Đoàn còn mời các nghệ nhân vào thể hiện TBCN tại nhà hát Duyệt Thị Đường nhằm tái hiện lại một môi trường diễn xướng khá hoàn chỉnh. Qua điền dã, đoàn nghiên cứu thu thập được 7 nguồn tổng phổ quan trọng, trong đó có một bản của dòng họ Hoàng ở Quảng Trị và một bản của GS.TS Tô Ngọc Thanh.
Toàn bộ nguồn tư liệu Hán - Nôm được phiên âm và tiến hành ký âm dưới dạng tư liệu văn bản và tư liệu âm thanh. Đặc biệt, sau khi đối sánh các nguồn tư liệu và tham khảo ý kiến của một số nhà nghiên cứu chuyên môn, nhóm nghiên cứu còn thu được một hệ thống ký âm người xưa thường dùng... Từ đó, đúc kết lại thành khuôn trống trong bài nhạc cung đình.
Phục dựng và lưu truyền
Qua quá trình phục dựng, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã đưa vào biểu diễn “Tam luân cửu chuyển” tại nhiều buổi lễ và được đánh giá cao.
“Tam luân cửu chuyển” được khôi phục từ rất sớm, gồm phần phát và hiệp được thể hiện bằng lối diễn tấu song song giữa trống và kèn, cầu mong cho mưa thuận gió hòa.
Ông Lũ Viên Minh hướng dẫn các nhạc công trẻ chơi trống
Ông Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết: “TBCN là một tác phẩm có ý nghĩa gần như thất truyền và lưu lạc trong nhân gian. Trong giai đoạn một, chúng tôi phục dựng được 6 giá và được hội đồng nghiên cứu khen ngợi. Nhờ đó, dự án được tiếp tục triển khai và đến nay đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Chúng tôi đang xin ý kiến lãnh đạo phối hợp với Bảo tàng Cổ vật phát hành “bài trống Thái Bình” để mở rộng dư luận và nghe ý kiến từ các nhà chuyên môn. Hiện tại, các nghệ nhân, diễn viên kỳ cựu của nhà hát đang phụ trách việc tập luyện, lưu truyền TBCN cho các diễn viên trẻ. Đó là cách bảo tồn thiết thực nhất cho TBCN”.
Hàng ngày, tại nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, một số nhạc công trẻ hàng ngày vẫn say sưa tập luyện dưới sự hướng dẫn của thầy Lữ Viên Minh - con trai của nghệ nhân Lữ Hữu Thi. Ông Minh khẳng định: “Ngày xưa mỗi người biểu diễn ở một góc khác nhau, được ngăn cách bởi tấm màn để đánh giá độ hòa hợp. Khi đánh trống, hai tay phải đều và thành thục giữa ba âm “Giá, còng, chình”. Tay đánh roi phải cho đúng và có hồn. Nếu kỹ thuật này bị bỏ qua, xem như chưa đạt đến độ tinh luyện của TBCN”.
“TBCN là bản hòa tấu cần ít nhất 2 nhạc công sử dụng trống và 2 nhạc công sử dụng kèn. Ở các giai đoạn sau, kèn giữ vai trò làm nền cho trống phô diễn. Người chơi trống đòi hỏi phải đánh đồng bộ, ăn khớp. Khi đánh, không được nhấc roi trống cao quá tầm mắt; phải quy ước nên đánh tay nào trước; lúc thể hiện phải nghiêm trang” - cụ Trần Kích, nghệ nhân nhã nhạc đưa ra những bài học kinh nghiệm đó.
Nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận định: “Cuối triều Nguyễn, hệ thống điện nghi cung đình bị xáo trộn, các bài bản không còn nguyên vẹn như trước, trong đó có TBCN. Nằm trong dự án phục hồi nhã nhạc, TBCN với ý nghĩa cầu mong thái bình, hòa hợp giữa con người với trời đất có ý nghĩa rất quan trọng. Việc lập hồ sơ TBCN sẽ góp phần phục hồi một bài bản cũng đình truyền thống, phát huy giá trị phục vụ diễn xướng trong các lễ hội lớn như Đêm hoàng Cung, Lễ Tế giao…
|