Sáng 05/12/2014, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 cấp tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh, trong 5 năm (2010-2014), tỉnh đã đào tạo nghề cho 20.085 lao động, đạt 107,12% so với kế hoạch 5 năm. Trong đó, lao động học các nghề phi nông nghiệp 16.317 người, học nghề nông nghiệp 3.768 người. Toàn tỉnh hiện có 36 cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tham gia dạy nghề lao động nông thôn (LĐNT). Mạng lưới cơ sở dạy nghề đã phát triển đều ở các vùng thành thị, nông thôn, đồng bằng và miền núi, đảm bảo đào tạo ở cấp độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề.
Tỷ lệ lao động sau khi học nghề tự tạo việc làm và tìm được việc làm đạt trên 80%. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cũng có trên 80% lao động nông thôn sau khi học xong đã mạnh dạn áp dụng kiến thức, kỹ năng hoặc những ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, công tác tuyên truyền tư vấn cho lao động nông thôn tham gia học nghề chưa tốt; nhận thức về học nghề của nông dân chưa cao; tâm lý xã hội và gia đình chưa hiểu được tầm quan trọng của học nghề và lập nghiệp...; song song đó, chất lượng đào tạo nghề ở một số cơ sở dạy nghề còn thấp; đào tạo lao động chưa gắn với nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động;…
Vì vậy, trong năm 2015, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề cho LĐNT là giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn... Theo đó, chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT trong năm 2015 là 3.550 LĐNT, trong đó, 1.000 LĐ nông nghiệp và 2.550 LĐ phi nông nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung biểu dương những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua, đây là chính sách rất quan trọng đối với công tác giảm nghèo của tỉnh. Trong thời gian tới, yêu cầu các địa phương và cơ sở đào tạo cần xác định đúng vị trí vai trò, tầm quan trọng của giáo dục dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn để có kế hoạch tuyên truyền và triển khai có hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cũng đề nghị các đơn vị liên quan tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo lý thuyết gắn việc thực hành. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các trung tâm, cơ sở giáo dục đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ mới.
Dịp này, 03 tập thể và 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án giai đoạn 2010-2014 nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo thuathienhue.gov