Nhịp điệu cuộc sống
Những kỷ vật vô giá Bác Hồ tặng đồng bào dân tộc ở A Lưới
08:46 | 31/12/2014

Vinh dự được Bác Hồ tặng các món quà như radio, đồng hồ, ống tre đựng tài liệu, những người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở núi rừng A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) coi đó là “báu vật”, luôn mang theo bên mình, nâng niu gìn giữ cẩn thận.

Những kỷ vật vô giá Bác Hồ tặng đồng bào dân tộc ở A Lưới

Thế nhưng, họ đã tặng lại những “báu vật” ấy cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Thừa Thiên Huế) để nhân dân cả nước và quốc tế có cơ hội biết đến, cảm nhận tình cảm ân cần, sâu sắc của Bác Hồ đối với đồng bào thiểu số sống trên dải Trường Sơn đại ngàn.

Mỗi khi nhắc lại những ký ức một thời bom đạn ác liệt, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân người dân tộc Pa Cô Hồ Kan Lịch (sinh năm 1943) lại rưng rưng nước mắt. Đối với bà, kỷ niệm sâu sắc nhất là những lần được gặp Bác Hồ, trong đó có một lần ra Bắc chữa bệnh, bà đã được Bác Hồ đến thăm và tặng một chiếc radio làm quà (năm 1968).

Nữ anh hùng Kan Lịch kể lại: “Khi Bác tặng radio, tôi rất xúc động không cầm được nước mắt và đã khóc. Lúc đó Bác nhẹ nhàng nói với tôi: Thôi cháu Kan Lịch đừng khóc nữa, không chỉ riêng cháu mà Bác rất quan tâm đến nhiều đồng chí anh hùng, chiến sĩ đang còn chiến đấu ở ngoài chiến trường. Anh hùng có rất nhiều nhưng cháu là nữ anh hùng đầu tiên của đồng bào Pa Cô nên Bác tặng cho cháu chiếc đài để cháu nghe tin tức ở chiến trường, để cùng đồng bào mình chiến đấu cho cách mạng thành công”.

Khi đất nước hòa bình, rất nhiều người muốn đổi chiếc radio mà Bác Hồ đã tặng bà bằng xe máy, bằng vàng; có người đề nghị mua lại với giá một tỷ đồng nhưng bà cương quyết không “lay động”. Bà tâm sự: “Quà tặng của Bác tôi sẽ giữ suốt đời đến khi nào chết thì để lại cho con cháu. Ai đến thăm tôi đều mở cho mọi người xem chứ không bao giờ đổi hay bán chiếc radio này”.

Thế nhưng, khi Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Thừa Thiên Huế) phát động quyên góp kỷ vật về Bác thì nữ anh hùng đã tặng lại ngay. “Mặc dù tôi rất tiếc nhưng vì tặng lại chiếc radio cho bảo tàng là tặng cho tập thể, để mọi người dân trên cả nước cùng được tham quan và để thế hệ con cháu mai sau biết đến tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào Pa Cô nên tôi sẵn sàng hiến tặng ngay”- người nữ anh hùng chia sẻ.

Không chỉ riêng nữ anh hùng Hồ Kan Lịch mà còn rất nhiều anh hùng, chiến sĩ đồng bào dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tặng lại những kỷ vật của mình cho Bảo tàng Hồ Chí Minh dù đối với họ những kỷ vật đó còn quý giá hơn vàng bạc. Anh hùng LLVT Hồ A Nun (sinh năm 1944, thôn Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) - em trai của nữ anh hùng Hồ Kan Lịch được Bác Hồ tặng món quà là một chiếc đồng hồ đeo tay. Khi mặt trận Bình Trị Thiên hàng ngày phải hứng những trận bom đạn của kẻ thù, Anh hùng A Nun đang bận chiến đấu ở chiến trường nên không thể ra Hà Nội gặp Bác. Ngày nhận chiếc đồng hồ Bác Hồ gửi vào đơn vị nơi Hồ A Nun đang công tác, ông đã sung sướng và xúc động khi đeo món quà vào tay mình. Chiếc đồng hồ đã cùng Anh hùng A Nun trải qua nhiều thử thách của đạn bom, cùng đồng bào Pa Cô bảo vệ núi rừng A Lưới.

Còn chiếc ống tre dùng để giấu tài liệu tuyên truyền cách mạng do Bác Hồ tặng chiến sĩ Võ Át (1900-1993) vào năm 1959 (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Thừa Thiên Huế), với gia đình ông là cả một câu chuyện thăng trầm. Vốn là già làng của thôn A Ning, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, được bộ đội tuyên truyền cách mạng, ông Võ Át đã cùng đồng bào đứng lên, vót chông đánh giặc, bảo vệ dải Trường Sơn, một trong những căn cứ cách mạng huyết mạch thời kỳ kháng chiến. Chiếc ống tre đựng tài liệu đã cùng chiến sĩ Võ Át trèo đèo, lội suối, vượt qua nhiều hiểm nguy của bom đạn; kể cả khi bị địch bắt, tra khảo, dụ dỗ bằng nhiều thủ đoạn nhưng bằng lòng quả cảm, ý chí kiên cường, ông vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Những lúc sợ địch phát hiện, chiếc ống tre đựng tài liệu mật được ông giấu trong chiếc gậy dùng để chống đi đường, khi thì được cất giấu ở nơi bí mật trong hang đá, rừng sâu. Cũng vì thế mà có lần quân địch đốt nhà ông Võ Át cũng không tìm ra chứng cứ.

Ông Minh Rói (54 tuổi) con trai của chiến sĩ Võ Át kể lại: “Những năm 1967-1969, Mỹ tấn công ác liệt ở mặt trận Bình Trị Thiên, ba tôi sợ mất tài liệu cách mạng, chiếc ống tre còn là quà của Bác Hồ tặng nên đã đem giấu ở một hang đá trong rừng sâu; dặn cho mẹ và vợ biết để nếu ông có hy sinh thì vẫn giữ được kỷ vật thiêng liêng đó. Năm 1973, kết thúc Hiệp định Paris, ba tôi vẫn còn sống và chính ông đã tự tay đi đào kỷ vật về, cất giữ trong nhà cẩn thận”.

Chiến sĩ Võ Át còn được Bác Hồ tặng những món quà như: võng, dao nhưng sau đó ông đã tặng lại cho các cán bộ của đồng bào mình để truyền ý chí chiến đấu và sự tin tưởng về thắng lợi của cách mạng. Ông chỉ giữ lại cho mình chiếc ống tre đựng tài liệu nhưng đến năm 1987, khi bảo tàng Hồ Chí Minh vận động quyên góp kỷ vật về Bác Hồ để làm tư liệu, ông đã tặng lại cho bảo tàng. Ông Minh Rói cho biết, khi tặng lại kỷ vật này cho bảo tàng, ông Võ Át đã rất xúc động và khóc trong niềm tự hào.

Những kỷ vật Bác Hồ đã tặng cho các anh hùng, chiến sĩ đồng bào dân tộc trên dải Trường Sơn là những món quà ý nghĩa, vô cùng quý giá; đây cũng là câu chuyện sống động về một thời kỳ hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và về đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới nói riêng.


Theo QĐND Online

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng