Với tính cộng đồng làng xã được thể hiện ở mức cao nhất, người Cơ Tu (Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế) có văn hóa ứng xử trong ăn uống mang nhiều nét riêng biệt.
Đặt chân tới những bản làng Cơ Tu, người dưới xuôi chỉ cần bước vào gươl, là có người tới hỏi đã ăn cơm chưa. Họ sẵn sàng nấu cơm, bưng tới, mời khách ăn, và đã ăn thì phải cố mà ăn cho hết.
Với người trong làng
Một căn nhà của người Cơ Tu thường là nơi ở của nhiều hộ có quan hệ huyết thống. Mọi sinh hoạt trong nhà rất bình đẳng: nếu nhà đó cùng một gia đình thì chỉ việc nấu ăn chung, bếp nấu cơm, bếp nấu canh, sau đó chia phần bằng nhau để tự ăn phần của mình. Còn nếu nhà đông, nấu chung không nổi thì chủ hộ cho nấu ăn riêng theo bếp. Nhưng khi thức ăn chín dù ngon hay dở, các hộ đều chia ít phần cho các hộ khác thức ăn mình nấu - người Cơ Tu gọi chuyện này là “phưa”. Nếu kiếm được thịt từ con sóc trở lên thì chia cho mỗi trẻ em và người già trong bếp mỗi người một miếng, còn lại chia cho các cháu ở bếp khác, người Cơ Tu gọi là t’pêếh. Còn nếu có con thú tương đối lớn từ con chồn trở lên thì chia đều cho nhau mỗi người một phần bằng nhau, người Cơ Tu gọi là “ch’niêm; còn các nhà gần đó, chia phần mỗi bếp một miếng tr’pêếh.
Nếu bắt con thú từ con mang trở lên, thì người bắt được thú đó phải đem nộp vào gươl cho làng quản lý. Việc cống nạp này mang tính tự giác cao, và người đó thấy vinh hạnh vì mình được đóng góp vào việc chung của làng. Con thú khi đến bhươl/làng, làng phân công người làm thịt, chia lại cho chủ bắt được con thú đó. Nếu người đó có việc gia đình cần dùng đến thịt đãi khách thì người đó sẽ xin lại bhươl cho thêm một cái đùi (p’lâu) để giải quyết việc gia đình. Còn ăn thịt nuôi trong nhà như: trâu bò heo… chủ vẫn cho bhươl một cái đùi tay (ta’nêy) hay thịt ba chỉ (avếh). Phần thịt chín gia chủ vẫn chia đều cho thành viên trong làng.
Trở lại việc chia thịt, tại gươl thường có một tổ quản lý (gr’mrêy hay ca’no). Tổ ca’no này tự phân công xẻ, nấu nướng, chia phần thịt cho dân làng. Các bếp trong làng góp củi, muối ớt vào gươl cho tổ đó sử dụng làm thịt. Có hai cách chia thịt: thông thường nhất là chia thịt chín, còn cách thứ hai không phổ biến là chia thịt sống sau khi cắt miếng đều nhau để các hộ tự về nấu. Về việc chia thịt chín: Thành viên tổ quản lý đến từng bếp thông báo cho chủ hộ tự xé lá chuối rừng đủ cho số thành viên trong gia đình mình, sau đó người đại diện của tổ quản lý thu lá về tập hợp tại gươl và xếp đều lá chuối rồi múc thịt đều từng lá một, khi đã bỏ đủ lên lá, kiểm tra kỹ lại xem có sót không và xem có đều nhau chưa, sau đó gói một đầy lá lại cho gọn (Cơ tu gọi cr’đắt), sắp đều, đếm đủ và xếp theo nhà, theo bếp rồi đem phân chia cho làng để dân trong làng đến gươl nhận phần.
Tính nhân văn của văn hóa làng C’tu còn thể hiện trong chính cách chia thịt cho con của phụ nữ đang có thai nghén (người Cơ Tu gọi là cr’đhợ) để mẹ của đứa bé dùng có sức khỏe nuôi bầu trong bụng. Còn đối với người chết trong vòng 12 tháng vẫn còn chia phần thịt để gia đình hưởng - Vì quan niệm cho rằng linh hồn người chết trong vòng một năm vẫn còn ở trong làng.
Văn hóa tiếp khách
Bên cạnh việc chia đều phần thịt cho dân làng như trên, tùy thịt to hay nhỏ mà người Cơ Tu phải để một phần cho khách nếu có đến làng trong ngày hôm đó. Phần thịt này chỉ để trong một ngày nếu đến tối không có khách đến làng thì các cụ già trong gươl dùng.
Xưa nay khách bất kể từ đâu đến nếu vào gươl thì các nhà bưng cơm đến, gia đình ăn gì bưng cho khách ăn nấy. Nếu khách vào nhà dân thì mỗi hộ trong nhà đó nuôi khách phần mình, có gì thì cho khách ăn nấy. Nên lưu ý là khi đến nhà người Cơ Tu, họ bưng cơm nhiều thì phải cố ăn mỗi mâm một ít để họ mừng. Không nên ăn một mâm vì chọ cho rằng khách chê và lần sau họ không nuôi nữa, và nếu tỏ ra hiếu khách thì phải ăn hết.
Riêng khách quý như cán bộ bộ đội hoặc người có uy tín của các làng khác đến, họ làm xôi, giết gà giết heo lấy rượu đã khách. Người Cơ Tu đãi khách thường dành phần ngon toàn bộ cho khách. Thậm chí gia đình họ ăn sắn, ăn khoai nhưng đối với khách họ lấy xôi, nấu cơm cho khách dùng; gà đang ấp, heo đang chửa... họ vẫn thịt cho khách. Thông thường người Cơ Tu để khách ăn cơm trước cho no bụng sau đó khách nghỉ ngơi một lát mới uống rượu. Rót rượu mời khách phải mời hai tay, mời trước khách lớn tuổi và người quan trọng trong bữa tiệc. Và lưu ý khi bưng rượu mời không được vô tình nhúng móng tay vào rượu trong ly vì họ kỵ và cho rằng điều đó bất ổn, mất an toàn về vệ sinh và lòng tin. Riêng rượu cần người Cơ Tu giờ không hút bằng cần mà rót vào chén.
Theo TTO