Nhịp điệu cuộc sống
Thử nghiệm mô hình sản xuất một số giống lúa kháng rầy lưng trắng ở Thừa Thiên Huế
09:04 | 13/01/2015

Đề tài được thực hiện từ tháng 8/2012-7/2014, trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả do PGS, TS Trần Đăng Hòa làm chủ nhiệm đã thu thập 38 giống lúa gồm 6 giống chuẩn kháng, 2 giống chuẩn nhiễm rầy lưng trắng và 27 giống lúa đang gieo trồng ở Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung, 3 giống mới có triển vọng.

Thử nghiệm mô hình sản xuất một số giống lúa kháng rầy lưng trắng ở Thừa Thiên Huế

Để phục vụ cho nghiên cứu tính kháng của các giống lúa với quần thể rầy lưng trắng ở Thừa Thiên Huế, nhóm tác giả đã tiến hành thu thập các giống lúa chuẩn nhiễm và chuẩn kháng rầy làm chỉ thị cho các thí nghiệm đánh giá trong phòng và nhà lưới. Mặc dù theo báo cáo của tỉnh vào thời gian đầu năm 2011 thì tỷ lệ nhiễm bệnh lùn sọc đen trên lúa ở Thừa Thiên Huế từ 5-30%, tuy nhiên kết quả điều tra nông hộ ở hai vùng nghiên cứu là thị trấn Phú Đa và phường Hương Xuân đều không có bệnh lùn sọc đen. Điều này chứng tỏ nhận thức của nông dân về bệnh lùn sọc đen còn hạn chế, người nông dân có thể chưa nhận biết được sự gây hại của bệnh.

Qua quá trình nghiên cứu đã cho thấy có 5 giống lúa có khả năng kháng rầy lưng trắng thích nghi với điều kiện Thừa Thiên Huế là ĐT34, Quảng Nam 1, Q5, PC6, HP28 được lựa chọn để tiếp tục nghiên cứu. Trong đó ĐT34 và PC6 là hai giống có mật độ rầy gây hại ít, năng suất cao và chất lượng tốt. Hai giống ĐT34 và PC6 đều có phẩm chất gạo tốt, trong đó giống PC6 cho thu nhập 34-38 triệu đồng/ha và ĐT34 cho thu nhập trên 22 triệu đồng/ha.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về tuyển chọn các giống lúa kháng rầy lưng trắng trong phòng thí nghiệm, nhóm tác giả đã có kiến nghị là cần mở rộng sản xuất các giống PC6 và ĐT34 tại Thừa Thiên Huế theo quy trình kỹ thuật đã được nghiên cứu và hoàn thiện; thường xuyên nghiên cứu biotype của rầy lưng trắng để có định hướng sử dụng giống kháng rầy phù hợp tại địa phương, qua đó thử nghiệm mô hình sản xuất các giống lúa PC6 và ĐT34 trong vụ hè thu tại Thừa Thiên Huế để có cơ sở chính xác hơn trong việc hoàn thiện quy trình sản xuất các giống lúa kháng rầy cho địa phương, hướng đến việc sản xuất lúa bền vững tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

PV

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng