Đi chùa ở Huế hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời.
Đêm 30 Tết mọi ngã đường dẫn về tổ đình Tự Đàm, Thiên Minh, Từ Hiếu, Báo Quốc… thành phố Huế đều đông nghịt người. Với người Huế, Tết đến mọi người rủ nhau đi lễ chùa, cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng. Đến chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui, bình an.
Đêm 30 Tết, người Huế có thói quen đi chùa thắp nén nhang tưởng nhớ người thân được gửi gắm hương linh nơi cửa Phật, cầu mong tâm hồn được thanh tịnh. 20h tại chùa Từ Đàm, ngôi chùa nổi tiếng ở vùng đất cố đô Huế, rất nhiều Phật tử và người dân đến chùa lễ Phật, cầu mong một năm mới an lành.
Chị Hoàng Thị Thanh Phương, một người dân đi chùa lễ Phật bày tỏ lòng thành kính: “Năm cũ đã qua, năm mới đã đến, gia đình tôi cầu nguyện tai qua nạn khỏi, gia đình làm ăn phát đạt, sức khỏe đồi dào. Đến chùa để vừa cầu nguyện, vừa thắp hương dâng lễ chùa. Người dân Huế thường đi lễ chùa trong đêm 30 Tết, đặc biệt sau Giao thừa để cầu may”.
Đi chùa ở Huế hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Người Huế không gọi khách đến thăm nhà vào đầu năm mới là “xông đất” mà gọi là “đạp đất”. Tuổi của người “đạp đất” đầu tiên và người chủ gia đình hợp nhau hay không thì suốt năm mới hên, xui theo vận hạn, tài đức của gia đình. Vì vậy, lên chùa lễ Phật đầu năm cũng là tránh cho vận hạn bị xem là “đạp đất”.
Ông Nguyễn Văn Toàn, một Phật tử đi lễ chùa đêm nay tâm niệm: Đến đền chùa cần sửa mình sao cho con người phải thanh sạch về cả thể chất và linh hồn. “Đêm 30 là đêm cuối của một năm, mục đích của tôi đến chùa không mong gì ngoài sự an lành. Đến chùa gửi gắm một sự an vui, mong cầu đức Phật ban cho sự an lành. An lành cho thân và tâm, cuộc sống gia đình thì mình mong cầu cho sự may mắn và bình yên, trong sự may mắn bao gồm cả sức khỏe”.
Đối với người dân Huế, đi lễ chùa vào ngày Tết, ngày xuân, cốt nhất là lòng phải thành, tâm phải thiện, không cần lễ vật phải “mâm cao, cỗ đầy”; ăn nói không khoe khoang; đi đứng từ tốn, nhường nhịn, tránh xô đẩy, tuân thủ lễ nghi. Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, trụ trì chùa Từ Đàm, chỉ có làm theo tâm thế như vậy thì lòng mới thanh thản.
“Ở Huế, vào thời khắc Giao thừa các Phật tử và người dân đi đến chùa rất đông, đó chính là lúc cầu an lành cho trong gia đình cuối năm và khởi đầu năm mới cũng do sự cầu nguyện đó mà được an lành hơn. Như vậy sự an lành ở đây là đem lại niềm tin xác thực vào bậc cao cả trong đạo Phật. Khi người dân tin tưởng thì chắc chắn có niềm an lạc và hạnh phúc”, Hòa thượng Thích Hải Ấn cho biết thêm.
Ngày Tết, mỗi người con ở đất cố đô đều bày tỏ tấm lòng thành trước cửa Phật, cầu xin một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, sung túc trong năm. Đây cũng là nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác của người dân Việt nói chung và người Huế nói riêng!./.
|
Bài: vov.vn - Ảnh: lieuquanhue.vn |