Cùng với ẩm thực truyền thống, người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới chuẩn bị đầy đủ trang phục, nhạc cụ dân tộc để tiếp đón bạn bè và khách quý, tạo nên phong vị tết rất riêng của đồng bào vùng cao.
Già làng Quỳnh Hiền, thôn Hợp Thành, xã A Ngo tự hào về việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc của bà con trong thôn. “Từ già, trẻ, gái, trai ai cũng biết các điệu múa, đánh cồng chiêng, thuộc các bài dân ca, đan các vật dụng truyền thống, học được nghề dệt thổ cẩm (Zèng)… Riêng phụ nữ ai cũng biết làm các món ăn truyền thống và làm được các loại bánh của dân tộc mình trong các dịp lễ, tết”, già Quỳnh Hiền bảo.
Ngày tết, các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống đảm đương phần việc giã nếp với hạt mè để gói bánh A Dư. Phía dưới nhà sàn, những người phụ nữ trong gia đình, dòng họ quây quần giúp nhau chuẩn bị gạo, nếp, lá rừng để gói bánh A Coát, bánh tròn (loại bánh truyền thống của đồng bào) và chuẩn bị các hương liệu, sản vật từ rừng để làm các món ẩm thực rất đa dạng, phong phú như thịt, cá đun ống nứa, cháo thập cẩm, cơm lam, lạp bò... Qua bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, hạt nếp thơm bọc trong tấm lá rừng trở thành những chiếc bánh với dáng hình ngọn núi, ngọn đồi, cùng các món ăn với hương vị rất đặc biệt, riêng có.
Các chị, các mẹ chuẩn bị gạo, nếp, lá rừng để gói bánh truyền thống
Ở A Lưới hầu như gia đình Tà Ôi nào cũng biết làm rượu đoác. Các công đoạn làm rượu cũng đơn giản. Gặp được cây đoác, chỉ cần dùng dao khoét một lỗ ở thân cây và đặt ống lồ ô dẫn xuống can hoặc chai, trong đó đã có sẵn vỏ cây chuồn phơi khô để cho nước đoác lên men thành rượu. Rượu đoác có màu đục giống nước đậu nành, hương thơm nhè nhẹ và có bọt sủi lên giống như bia nhưng lại có mùi men đặc trưng của rượu, khi uống vào thì không nóng như uống rượu mà nghe mát rười rượi... Vì thế, ngày tết cùng với những món ăn quen thuộc như cá suối, thịt nướng, cơm ống tre… thì rượu đoác trở thành một thức uống đặc trưng và không thể thiếu của người Tà Ôi.
Anh A Cơ Cường, Trưởng thôn Hợp Thành bày tỏ: “Cùng với các món ẩm thực, việc phô diễn trang phục, các điệu múa truyền thống, đánh cồng chiêng, thổi kèn… đã trở thành nét văn hoá đặc trưng trong mỗi dịp tết đến xuân về của đồng bào mình và luôn được gìn giữ, phát huy cho các đời sau”.
Theo http://aluoi.thuathienhue.gov.vn