Nhịp điệu cuộc sống
Gặp lại người chăn dê, nửa đời 'quảng bá' hình ảnh VN trên đỉnh Hải Vân
08:49 | 25/02/2015

Ai đã một lần có dịp dừng chân trên ngọn đèo được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, chắc chắn sẽ không quên được sự kỳ vĩ, hoành tráng ở nơi đây.

Gặp lại người chăn dê, nửa đời 'quảng bá' hình ảnh VN trên đỉnh Hải Vân

Mây rất gần và sóng biển như “sát” mép chân. Trong một chuyến “thưởng ngoạn” cảnh đẹp của Hải Vân, chúng tôi đã gặp một người đàn ông vô cùng kỳ lạ.

“Ôm Tổ quốc” giữa đỉnh trời

Lần nào đi ngang Hải Vân Quan (đèo Hải Vân, ranh giới giữa TP. Đà Nẵng với tỉnh Thừa Thiên- Huế), chúng tôi cũng nhìn thấy lão. Lão đã ngoài 60 tuổi. Tóc đã bạc và nụ cười đã móm mém. Bước chân cũng không còn nhanh nhẹn. Vậy mà, không kể trời nắng hay mưa, thậm chí là những ngày sương mù dày đặc, lão vẫn chỉ mặc một chiếc áo mỏng, màu đỏ thắm, ở giữa là ngôi sao vàng.

Vừa trông cho đàn dê ăn cỏ, lão vừa nghêu ngao câu hát: “Bạn ơi hãy đến, quê hương chúng tôi/Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời...”. Gặp một đoàn khách du lịch người Hàn Quốc đang dừng chân chụp ảnh, lão không ngần ngại tiến lại gần và tình nguyện làm... hướng dẫn viên.

Tình yêu vượt thời gian của vợ chồng ông lão chăn dê.

Người đàn ông kỳ lạ ấy gốc Huế thứ thiệt, tên là Huỳnh Sương (62 tuổi, ngụ thôn Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (38 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), một người bán nước trên đỉnh đèo Hải Vân kể: “Bao năm nay, lão Sương làm nghề chăn dê thuê. Hằng ngày, cứ tờ mờ sáng là lão lùa bầy dê lên đỉnh núi ăn cỏ, chiều tối lại dắt chúng về. Tuy nhiên, chúng tôi mưu sinh trên đỉnh đèo đã lâu nhưng chẳng ai biết lão Sương làm nghề này từ bao giờ. Và điều đặc biệt là, bất kể mùa hè hay mùa đông, nắng mưa hay bão tố... lúc nào lão ấy cũng mặc chiếc áo có hình lá cờ Tổ quốc”.

Có những ngày Hải Vân Quan chìm trong sương mù, lạnh “cắt da cắt thịt”, xe của chúng tôi chạy qua những cung đường đèo uốn lượn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn dễ dàng nhận ra lão Sương trong làn sương mờ bởi chiếc áo đỏ thắm có in hình ngôi sao vàng. Thấy chúng tôi vẫy tay chào, lão cũng nở nụ cười thật tươi và vẫy tay đáp lại. Cho đến giờ phút này, khi đã ở độ chín của cuộc đời, nụ cười móm mém, đỏ quạch mùi bã trầu ấy vẫn không thôi ám ảnh mỗi đứa học trò khoa Văn như chúng tôi.

Lão Sương hay nói đùa với những người “đồng nghiệp”, những người cùng mưu sinh trên đỉnh Hải Vân như lão rằng: “Vì “tính chất” công việc, thường xuyên phải gặp và tiếp xúc với người nước ngoài nên tôi mặc áo lá cờ để họ biết mình là người Việt Nam. Tôi cũng chẳng ngại giúp đỡ và hướng dẫn cho họ nếu họ cần mình”.

Người tri kỷ của Hải Vân

Từ những cuộc gặp gỡ “chớp nhoáng” lão chăn dê kỳ lạ trên đỉnh Hải Vân và qua lời kể của những người bán hàng, chúng tôi quyết tâm tìm gặp bằng được người “hướng dẫn viên” Huỳnh Sương. Và thật bất ngờ, đi đến cuối con đèo (thuộc địa phận thôn Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), hỏi người chăn dê mặc áo lá cờ Việt Nam, ai cũng biết.

Chị Trần Thu Hà (31 tuổi), một người gác tàu ở cung đường Lăng Cô cho biết: “Ông Sương chăn dê trên đèo đã gần chục năm nay rồi. Mỗi lần đi ngang đây ông đều “Hello! Hello” để chào chúng tôi. Ai cũng quý ổng bởi ở ổng có một sự vui vẻ, lạc quan đến kỳ lạ”.

Lão chăn dê Huỳnh Sương và nụ cười huyền thoại trên đỉnh đèo Hải Vân.

“Hoàn cảnh gia đình ông Sương rất khó khăn. Đặc biệt là thời gian gần đây, sức khỏe ông không còn được như trước. Sau một tai nạn ngay sát cung đường đèo, ông không thể đi chăn dê được mà chỉ nằm một chỗ. Tội nghiệp, lâu lâu nắng ráo, trời đẹp thấy trong người khỏe chút là ổng là mặc chiếc áo lá cờ đi dọc chân đèo. Chắc ổng nhớ “nghề” lắm”, chị Hà kể.

Theo sự hướng dẫn của chị Mai, chúng tôi tìm đến nhà ông Sương. Căn nhà cấp 4 lụp xụp nằm sâu trong một con hẻm, dốc dựng đứng. Vừa thấy bóng người lạ, ông Sương đã vội vàng chạy ra đón, vẫn nụ cười móm mém, bóp trán hồi lâu, lão chợt nhớ ra điều gì đó rồi vanh vách đọc tên từng đứa chúng tôi.

Bà Hồ Thị Gái (72 tuổi), vợ ông Sương đon đả xuống rót nước mời khách: “Các cô cậu lên thăm lão Sương hả? Quý hóa quá. Từ ngày bị đau, lão không đi chăn dê được nữa, thỉnh thoảng lại có người đến nhà thăm hỏi. Người tây có, ta cũng có, nhưng tất cả đều là “bạn” trên đèo của lão...”, bà Gái vui vẻ “khoe”.

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ chưa đầy một tháng kể từ lần cuối gặp lão trên Hải Vân Quan, lão đã già đi trông thấy. Nước da nhợt nhạt và tóc bạc đi nhiều. Chỉ có đôi mắt là vẫn sáng lấp lánh. Lão chia sẻ: “Từ ngày đổ bệnh, sức khỏe tôi sa sút nghiêm trọng, không còn đi chăn dê được nữa. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau của một người cả đời gắn mình với những con đường Hải Vân như tôi mà giờ đây phải bó gối ở nhà. Đối với tôi, đàn dê không chỉ là vật nuôi mà còn là những người bạn lúc về già. Còn Hải Vân là nhà, là tri kỷ”.

Kể về những năm tháng gắn bó với con đèo được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, lão Sương ngân ngấn nước mắt: “Ngày còn trai trẻ, tôi công tác tại ga Lăng Cô, phụ trách dọn đá cho các đường ray. Chính vì đặc thù công việc nên tôi đi dọc Hải Vân như cơm bữa. Những con đường đèo với tôi là con đường đi làm, con đường mưu sinh. Và cũng chính nhờ những con đường này mà tôi quen biết vợ tôi. Đến năm 1990, tôi nghỉ việc tại ga. Nhưng không lâu sau đó, vì nhớ Hải Vân nên tôi nhận giữ dê thuê cho một người hàng xóm để lên lại đó”, lão Sương xúc động nói.

Khi được chúng tôi hỏi về “cơ duyên” với chiếc áo in hình lá cờ Tổ quốc, lão vẫn nụ cười móm mém trả lời: “Ai cũng có một sở thích riêng. Và sở thích của tôi là mặc áo cờ Tổ quốc. Chính nhờ mặc chiếc áo này mà tôi được những người khách du lịch để ý, hỏi thăm, có những người bạn nhớ đến tôi và đến thăm tôi lúc tôi đau ốm như bây giờ.

Đặc biệt tôi rất vui vì nhờ đó mà tôi có cơ hội giới thiệu vẻ đẹp của “người tri kỷ” Hải Vân cho họ biết. Nhiều người bảo tôi điên khi quanh năm suốt tháng chỉ mặc mỗi một chiếc áo, nhưng với tôi đó là điều thiêng liêng và rất đáng tự hào”.

Vì tình cảm đặc biệt đó mà cho đến lúc bị ốm, lão vẫn “trốn” vợ mặc áo lá cờ và tìm lên đèo. Bà Gái cho biết: “Lúc phát hiện tôi vừa giận vừa thương, đem chiếc áo giấu biệt đi. Những lúc như vậy, lão rất buồn, chỉ ra trước sân nhìn về hướng con đèo”. Tuy nhiên, dù nhớ “nghề” đến mấy thì chính bản thân lão là người hiểu rõ nhất sức khỏe của mình, lão đành xếp cẩn thận chiếc áo lá cờ rồi đặt ở đầu giường.

Khi chúng tôi hỏi: “Lão có muốn lên đèo nữa không?”, lão chỉ cười rồi nhìn về xa xăm. Có lẽ trong đầu lão vẫn đang nhớ về những ngày tháng tung hoành trên Hải Vân Quan cùng những người bạn tri kỷ của mình.

Bất chợt, lão cất giọng hát một câu quen thuộc: “Bạn ơi hãy đến, quê hương chúng tôi/Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời...”. Câu hát vang lên không tròn vành rõ chữ như những lần chúng tôi gặp lão, nhưng có một điều chắc chắn là tinh thần của người hát đến tận bây giờ vẫn chẳng hề thay đổi.

Người công nhân đường sắt cần mẫn

Ông Huỳnh Sứ, Trưởng thôn Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Ông Sương, bà Gái đều từng là công nhân ngành đường sắt. Họ đã cống hiến trọn vẹn những năm tháng thanh xuân vì sự bình yên trên cung đường đèo Lăng Cô – Hải Vân.

Lúc về hưu, ông Sương lại tiếp tục gắn bó với đèo Hải Vân qua công việc chăn dê, quảng bá du lịch. Hiện tại sức khỏe của ông đã không còn như trước, không thể leo đèo, lội suối được nữa, hoàn cảnh cũng rất khó khăn nhưng tinh thần lạc quan, yêu đời của ông thì thật đáng khâm phục...”.

Theo nguoiduatin.vn

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tết vùng cao (20/02/2015)