Nhịp điệu cuộc sống
A Lưới từng bước nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân
07:52 | 14/04/2015

Là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày để đảm bảo cho sức khỏe tuy đã có nhiều thay đổi nhưng ở vùng sâu, vùng xa còn chưa thật sự an toàn. 

A Lưới từng bước nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Từ thực tế đó, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được Đảng bộ huyện A Lưới đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là chiến lược phát triển lâu dài để từng bước hoàn thiện và hoàn thành các mục tiêu của công tác y tế theo tinh thần Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Nghị quyết chương trình hành động số 02-CTrHĐ/HU “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện A Lưới”, trong đó đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và các nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trên cơ sở đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã triển khai, thực hiện một cách cụ thể, hiệu quả công tác công tác khám chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng như củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở.

Một kết quả thấy rõ nhất là, mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế đã có nhiều cố gắng hơn trước. Trong đó, 01 bệnh viện đa khoa hạng III với 70 giường bệnh và nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, máy chụp X-Quang, máy nội soi, máy xét nghiệm sinh hóa…các trạm y tế xã cũng đã được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại, tạo điều kiện tốt hơn cho công tác khám và điều trị bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tính đến đầu năm 2015, có 20/21 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm 95,2%, tăng 17 xã so với năm 2005; 100% các trạm y tế xã đều được tầng hóa và có vườn thuốc nam mẫu để hướng dẫn nhân dân trồng và sử dụng chữa một số bệnh thông thường tại nhà.

Nhờ đó, nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, lao…được khống chế và đẩy lùi, nhân dân và đồng bào các dân tộc thiểu số đã được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Trong 10 năm, toàn tuyến y tế của huyện đã khám và điều trị bệnh cho 1.207.871 lượt bệnh nhân, (trong đó bệnh nhân điều trị nội trú 60.276 lượt người; kê đơn 1.147.595 lượt người), công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 100%, tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế hàng năm đều đạt trên 20% tổng số người khám bệnh.

Các chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm miễn dịch cơ bản hàng năm đạt từ 99,39% - 99,69%, đặc biệt không có ca trẻ em mắc các bệnh trong chương trình TCMR và không để xảy ra tai biến sau tiêm chủng. Hoạt động chăm sóc quản lý thai nghén và làm mẹ an toàn được quan tâm, số ca mắc 5 tai biến sản khoa đã giảm dần qua các năm, góp phần giảm bền vững tỷ số tử vong mẹ và tỷ suất tử vong sơ sinh.

Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em được triển khai rộng khắp, bước đầu đã nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về tương lai giống nòi. Qua đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm theo từng năm và hiện còn 17%, giảm 30% so với năm 2005.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ngành y tế và các địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai kịp thời và thực hiện hiệu quả các phương án phòng chống dịch bệnh, nhất là đối với các loại dịch bệnh như dịch cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm…Ngành y tế của huyện đã chủ động thực hiện tốt công tác dự báo, tăng cường giám sát, điều tra và khống chế ngay từ ca bệnh đầu tiên nên các dịch bệnh đã được kịp thời kiểm soát không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa số ca tử vong.

Để đạt được kết quả trên, 10 năm qua cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của Tỉnh, huyện A Lưới đã đầu tư nhiều về nguồn lực (tài chính và con người) để phục vụ công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong giai đoạn mới. Trong đó phải kể đến là Trung tâm y tế huyện đã được đầu tư xây dựng đồng bộ cả cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế với nguồn vốn trên 20 tỷ đồng; ngân sách huyện và nguồn hỗ trợ của cấp trên, mỗi năm đầu tư trên 500 triệu đồng mua trang thiết bị y tế tăng cường cho Trạm y tế cơ sở. Đội ngũ cán bộ y tế được tuyển dụng đảm bảo theo yêu cầu và thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật cao cũng như được đào tạo nâng cao tay nghề chuyên môn. Hiện nay, toàn huyện có 393 cán bộ y tế (tuyến huyện có 124 cán bộ, tuyến xã có 137 cán bộ và 132 nhân viên y tế thôn bản). Trong đó, có 65 Bác sỹ, đạt tỷ lệ 10 Bác sỹ/1 vạn dân, tăng 1,5 Bác sỹ/1 vạn dân so với năm 2005; 9 Bác sỹ có trình độ từ chuyên khoa cấp I trở lên; 100% trạm y tế có bác sỹ (10 trạm y tế có 2 bác sỹ); 80% nhân viên y tế thôn, bản có trình độ y tá.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và tình hình thực tế của địa phương, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn và hạn chế, chất lượng dân số chưa thật sự bền vững, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em còn cao; công tác thông tin, giáo dục truyền thông trong lĩnh vực y tế dự phòng, ăn ở vệ sinh, bảo vệ môi trường sống chưa được thường xuyên; nguồn lực cho y tế huy động từ cộng đồng còn hạn chế…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” trên địa bàn huyện trong thời gian tới, 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã được Huyện ủy A Lưới đề ra là: Tiếp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang cấp đầy đủ các trang thiết bị y tế tại Bệnh viện huyện, các trạm Y tế; tăng cường công tác đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, tập trung vào một số chuyên khoa và điều dưỡng, cử nhân nữ hộ sinh cho tuyến cơ sở. Đẩy mạnh công tác phối kết hợp giữa các ban ngành đoàn thể và chính quyền địa phương để làm tốt công tác Dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng; bảo đảm công bằng trong khám chữa bệnh, đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến gần người dân và tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. Tiếp tục kiện toàn và phát triển hệ thống y tế từ huyện đến xã, có chế độ chính sách khuyến khích cán bộ y tế đến công tác tại miền núi vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân hiểu, tự giác tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện tốt 12 điều y đức trong toàn thể CBCNVC ngành y tế nhằm nâng cao tinh thần thái độ phục vụ và chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện.


Theo www.thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng