Để chủ động triển khai các biện pháp cấp bách, quyết liệt và triệt để nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 13/4/2015, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 09/CT-UBND yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị chủ rừng và nhân dân trên toàn tỉnh triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cụ thể: Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, Ban chỉ huy Phòng cháy chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng; thành lập các tổ, đội xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương gồm các lực lượng chủ lực: Dân phòng, Dân quân tự vệ, các ban ngành cấp xã và quần chúng nhân dân bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại chỗ; chủ động tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ huy, chỉ đạo chữa cháy rừng. Tiến hành rà soát phương án Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng, phương án huy động lực lượng, bảo đảm nội dung thiết thực và tổ chức triển khai có hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra. Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, xem nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt mùa khô. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật đến tất cả cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh; quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 05/3/2014 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Quyết định 09/2013/QĐ-UBND ngày 23/02/2013 của UBND tỉnh ban hành kèm theo quy định phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các văn bản liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa phương cơ sở và các chủ rừng trong suốt mùa khô nóng, nhất là các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy; nghiêm cấm tuyệt đối các hoạt động đốt lửa để rà tìm phế liệu chiến tranh và các hoạt động dùng lửa trong rừng, ven rừng trái quy định trong mùa khô. Khi xảy ra cháy rừng, Ban chỉ đạo các cấp kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy. Trong quá trình triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban chỉ đạo các cấp kịp thời phát hiện và đề nghị biểu dương khen thưởng những tổ chức, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng để tăng cường tính giáo dục răn đe.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai có hiệu quả phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí kinh phí cho các đơn vị để thực hiện tốt phương án; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các điểm cháy rừng; phối hợp với lực lượng Công an hướng dẫn xây dựng và tổ chức diễn tập PCCCR; kiểm tra không để tình trạng chặt phá, đốt nương, làm rẫy gây cháy rừng; tập trung bảo vệ các khu rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng trồng, rừng văn hoá, cảnh quan, du lịch; chỉ đạo triển khai thực hiện phối hợp hoạt động giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cơ quan Kiểm lâm các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc thực hiện phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, các chủ rừng; tổ chức ứng trực và có biện pháp ngăn chặn các hoạt động đốt lửa để rà tìm phế liệu chiến tranh, đốt than, đốt tổ ong, khai thác rừng trái phép, phá rừng trái phép, đốt xử lý thực bì trái quy định…phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông báo cấp cháy rừng trong mùa khô nóng; tham mưu cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng; thực hiện tốt việc cảnh báo cấp dự báo cháy rừng, kiểm soát lửa rừng; nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; có kế hoạch thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ rừng theo Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Quốc phòng và Bộ Công an và Nghị định số 74/NĐ-CP của Chính phủ.
Các đơn vị chủ rừng tăng cường vai trò trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng và thực hiện đúng phương án được phê duyệt và chịu trách nhiệm về diện tích rừng được giao quản lý. Khẩn trương hoàn thành sớm các công trình phòng cháy để đưa vào sử dụng có hiệu quả; tổ chức ứng trực và có biện pháp ngăn chặn các hoạt động đốt lửa để rà tìm phế liệu chiến tranh, đốt than, đốt tổ ong, khai thác rừng trái phép, phá rừng trái phép, đốt xử lý thực bì trái quy định…Nếu để xảy ra cháy rừng trong địa bàn mình quản lý thì chủ rừng chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật.
Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo phối hợp với lực lượng Kiểm lâm các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và triển khai phương án của các chủ rừng và cơ sở; tham gia thẩm duyệt dự án và phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời hướng dẫn tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng; tham gia cứu chữa các vụ cháy rừng và điều tra, xác minh nguyên nhân.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng và có trách nhiệm huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra; chỉ đạo lực lượng Dân quân tự vệ địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm theo quy định tại Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ.
Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm kinh phí cho các ngành và các địa phương tổ chức thực hiện nội dung Chỉ thị này.
Các Sở, Ban ngành liên quan thuộc UBND tỉnh tùy theo nhiệm vụ của đơn vị mình tổ chức thực hiện tốt trách nhiệm, đảm bảo không để xảy ra ách tắc trong tổ chức triển khai công tác BVR-PCCCR.
Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các nội dung liên quan về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô nóng đến toàn thể nhân dân; tăng cường đưa các gương điển hình có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng.
Theo thuafthienhue.gov.vn