Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, đến hết năm 2014 tỉnh có 21 cơ sở bảo trợ xã hội nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và hướng nghiệp dạy nghề cho 1.532 người thuộc các đối tượng trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng xã hội khác.
Toàn tỉnh có khoảng 47.807 người được hưởng trợ cấp hàng tháng, kinh phí thực hiện cho các đối tượng bảo trợ xã hội hàng tháng là 11.082 triệu đồng, chưa kể kinh phí phát sinh điều chỉnh tăng khi thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Thực tế qua thanh tra, việc thực hiện chính sách đối với người thuộc diện bảo trợ xã hội tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy còn nhiều thiếu sót về thủ tục, hồ sơ, trợ cấp còn chưa kịp thời đối với một số đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Có đối tượng vẫn chưa được biết thông tin về chính sách. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và cung cấp các dịch vụ cho đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác xã hội hóa chậm phát triển, khu vực tư nhân, đối tác xã hội chưa tham gia nhiều vào triển khai hoạt động chăm sóc đối tượng; các mô hình chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng chưa phát triển. Công tác quản lý hoạt động trợ giúp từ cộng đồng xã hội và điều phối các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng đến đối tượng cần trợ cấp đôi lúc, đôi nơi kiểm soát chưa chặc chẽ... Đây là một nhiệm vụ rất lớn đối ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế và cộng đồng.
Vừa mới đây, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch số 530/KH-SLĐTBXH về kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2015. Mục đích là nhằm đánh giá kết quả triển khai và thực hiện chế độ, chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh; giúp các địa phương thực hiện tốt chế độ, chính sách, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng và tránh những sai sót, nhầm lẫn. Đồng thời, phát hiện những vướng mắt, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, qua đó có cơ sở đề xuất với các Bộ, ngành liên quan… hướng dẫn giải quyết cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng trong những năm tiếp theo.
PV