Vẻ đẹp ở phá Tam Giang - đầm Cầu Hai khó ai tả nổi, tuy dân dã, hoang sơ mà lay động lòng người. Song, khi cảnh hoang vắng ngày càng lùi xa, vẻ đẹp ấy càng bị đe dọa vì những hoạt động mưu sinh của con người.
Vào thời vua Minh Mạng, phá Tam Giang có tên gọi là Thiển Hải, Hác Hải hay Hạt Hải - nghĩa là biển cạn. Cái tên đó thật ý nghĩa với những ai một lần về đây, được đón bình minh lên hay ngắm hoàng hôn xuống trên mặt nước mênh mông trong gợn sóng nhấp nhô, được nhìn thấy ghe thuyền ngược xuôi tung lưới hay cảnh sinh hoạt của ngư dân trên đầm phá khi ngày lên.
Biển cạn hết hoang vắng
Hệ thống phá Tam Giang - đầm Cầu Hai được coi là một trong những vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á. Đây chính là khu điều hòa khí hậu giữa 2 vùng cát, điều tiết lũ lụt và hạn chế nguy cơ ngập úng cho đồng bằng. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có chức năng duy trì nước ngầm vùng đồng bằng ven bờ và vùng đất cát ven biển, duy trì nguồn nước sinh hoạt cho người dân, là nơi tự phục hồi chất lượng nước trước khi đổ ra biển.
Phá Tam Giang rộng, nước ngọt trong mùa mưa lũ và nước lợ khi vào mùa khô. Vì thế, môi trường thủy sinh ở đây cực kỳ phong phú, nhiều chủng loại thủy, hải sản sinh sống và là nguồn tài nguyên quý giá để người dân đánh bắt, khai thác làm nguồn sống.
Phá Tam Giang được Lê Quý Đôn nhắc đến trong Phủ Biên tạp lục. Quốc sử quán triều Nguyễn cũng đề cập phá Tam Giang trong Đại Nam nhất thống chí, chủ yếu nói về sự hình thành và nét hoang vu hiểm trở ở đây. Trong dân gian, người dân lưu truyền câu ca dao nổi tiếng: Thương anh em cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang. Thời đó, phá Tam Giang là vùng đất rộng ngập sâu trong nước, đầy sình lầy, sóng gió bất trắc, thuyền bè đi lại dễ gặp nạn. Đây cũng là nơi mà kẻ cướp bóc thường náu mình.
Giờ thì thương nhau rất dễ để vượt phá Tam Giang. Thậm chí, người ta có thể ngủ lại đây để ngắm sao trời hay đón bình minh trên sông nước. Phá Tam Giang vẫn giữ được vẻ hoang sơ của một vùng biển cạn dù mặt nước mênh mông đã bị chia cắt nhiều bởi cuộc mưu sinh của người dân.
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ngày càng nhộn nhịp, không còn hoang vắng như xưa. Có nhiều đường để tới đây, các tour du lịch đua nhau đưa khách đến. Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư, triển khai xây dựng, khai thác tour du lịch đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Nhiều ngư dân vùng đầm phá cũng dần trở thành những người làm dịch vụ du lịch khá thông thạo. Họ mở nhiều quán nhậu từ bình dân đến cao cấp khắp khu đầm phá. Các món đặc sản từ vùng đầm phá ngày càng thu hút du khách.
Trung tâm ẩm thực
Quán Đầm Chuồn của anh Đinh Tiến Dũng là một trong vô số quán ăn nằm trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, thuộc khu định cư Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quán được làm toàn bằng tre, nằm chênh vênh trên sóng nước và chia thành 2, 3 khu. Khu nhà hàng là 2 gian sàn tre, một hình vuông, một chữ nhật. Bàn ăn chân thấp, khách ngồi trên chiếu hoặc đệm nhỏ. Món ăn ở đây chủ yếu là tôm cá bắt dưới đầm.
Thực khách đến đây vừa có thể thưởng thức món ăn vừa nhìn ngắm mây trời, sóng nước mênh mông, thấy như có mình ta giữa đất trời. Trước khi thưởng thức các sản vật tự nhiên, thực khách được chính tay chủ quán rót mời những ly “trà trắng”, một đặc sản và là món quà đặc biệt do quán chưng cất. Ly rượu Đầm Chuồn ngọt thanh, lan tỏa râm ran trong cơ thể, ấm nồng mà không sốc. Chỉ cần một ly “trà trắng” khơi mào là không khí bữa tiệc sôi động hẳn lên. Bên vách quán luôn dựng sẵn một cây đàn ghi-ta. Thực khách có thể thả hồn trên một sàn tre nhìn thấy mặt nước và đón những cơn gió nồng nàn…
Chủ quán Đinh Tiến Dũng cho biết anh là người tiên phong mở quán trên mặt đầm cách đây cả chục năm. Quán lá đơn sơ từ khi mới ra đời đến nay không có gì đổi khác. Trước khi vào bữa ăn, thực khách có thể được chủ quán dẫn đi cất rớ, xem đăng đó, tự tay bắt cá tôm mắc vào trong đó. Tôm cá tươi, còn giãy trên tay được bắt về làm món.
Để ra quán, khách phải đi thuyền từ bờ đầm vòng vèo qua những hàng rào ranh giới của những khu nuôi tôm cá chừng 15 - 20 phút. Thời gian ấy đủ để chụp những bức ảnh phong cảnh và sinh hoạt trên đầm. Mặt đầm rộng mênh mông ngút tầm mắt, bị chia cắt bởi những hàng cọc tre ngang dọc, nhấp nhô. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những chòi canh cá lênh khênh, điểm xuyết vài bàn thờ kết vải đỏ nằm cheo leo trên cọc tre.
Trong quang cảnh ảm đạm của một chiều mưa, phá Tam Giang vẫn hiện lên vẻ đẹp hoang dã, bí ẩn. Không quản mưa gió, nhiều đoàn du khách từ Huế vẫn lặn lội ngược xuôi trên phá bằng những chiếc thuyền máy nhỏ.
Hiện trên khu đầm này có cả chục quán Đầm Chuồn. Có quán đầu tư cả tỉ đồng để xây dựng, trang trí như một nhà hàng nổi, chứa đến hàng trăm khách. Quán lá của anh Dũng mỗi lần chỉ chứa tối đa chừng 20-30 khách nhưng có người đặt chỗ thường xuyên. Có thể vì người ta mê cái vẻ đơn sơ, gần gũi thiên nhiên của quán và thích thái độ chất phác, thân tình của ông chủ. Khách du lịch ngoại quốc cũng thường chọn quán của anh Dũng để ăn uống, ngắm cảnh.
Khu Đầm Chuồn đang dần trở thành một trung tâm ẩm thực. Ở đây, không chỉ dưới đầm mà trên bờ, nhiều nhà cũng mở quán kinh doanh. Chiều chiều, người đến nhậu trên bờ chào người dưới đầm rộn rã, tiếng “dô! dô” vang động.
Một người bạn Huế cho tôi biết đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang trở thành một điểm du lịch thu hút khách. Đường giao thông từ TP Huế xuống phá Tam Giang giờ rất thuận lợi nên cuối ngày, cuối tuần, nhiều người thường kéo đến đây thưởng thức đặc sản. Từ một vùng hoang vu, người dân chài gặp đầy khó khăn, giờ du lịch đã giúp cuộc sống của họ đổi thay. Các dịch vụ phát triển, nhà cửa của người dân hầu hết đã khang trang. Tuy nhiên, họ vẫn giữ được sự chất phác, thuần hậu của người dân vùng sông nước.
Ô nhiễm báo động
Bên cạnh cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền của du khách và thực khách, điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng ô nhiễm của khu đầm phá rộng mênh mông này. Sát bờ đầm, những lớp rác thải, túi ni-lông, vật dụng nổi bập bềnh theo con sóng, quấn đầy vào mái chèo. Bao ni-lông đập phần phật vào những cọc tre trên mặt đầm.
Tháng 9 âm lịch, năm nay mưa ít, độ sâu của đầm chỉ hơn 1 m, tôm cá cũng vơi đi rất nhiều. Chúng tôi theo anh Dũng đi cất rớ, cất đó. Nhấc 2-3 chiếc đó, chỉ có vài con cá mắc ở trong. “Cá tôm trong đầm không còn nhiều nữa. Cá tôm mô mà phục vụ cho kịp lượng khách thường xuyên đến đông như vậy? Nhiều quán phải mua cá tôm nơi khác” - một chủ quán băn khoăn.
Theo thống kê, hiện có hơn 41.000 người dân sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở Tam Giang - Cầu Hai. Không chỉ bị khai thác tận diệt, vùng đầm phá này còn bị đe dọa bởi phong trào nuôi tôm. Qua 10 năm, việc nuôi tôm hạ triều và nuôi chắn sáo của người dân đã lấn 10% diện tích đầm phá với khoảng 3.000 ha. Qua mỗi mùa tôm, phá Tam Giang phải hứng chịu hàng triệu mét khối nước thải. Đã có lần, tỉnh Thừa Thiên - Huế tính đến phương án táo bạo: Thay nước ở phá Tam Giang bằng cách xả nước ở hồ Truồi bởi tình trạng ô nhiễm do việc nuôi tôm của người dân đã đến mức báo động.
Do bị khai thác ồ ạt và môi trường suy thoái, nếu như trước năm 1975, sản lượng đánh bắt thủy sản trên các đầm phá đạt khoảng 4.500 tấn/năm thì hiện nay, con số đó chỉ còn 2.000 - 2.500 tấn. Sản lượng khai thác ở nhiều đầm riêng lẻ cũng ngày càng giảm. Tôm cá trong đầm nhỏ hơn thấy rõ. Một số loài như tôm bạc, bống thệ giảm đáng kể; chình mun, cá cháy có nguy cơ biến mất…
Để bảo vệ môi trường và nguồn lợi vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập các khu bảo vệ thủy sản quy mô nhỏ, giao cho cộng đồng ngư dân tự quản, bảo tồn đa dạng sinh học. Người dân cũng được hưởng lợi từ các khu bảo vệ này.
Tài nguyên phong phú Là nơi hội tụ các cửa sông: Hương, Bồ, Ô Lâu trước khi ra biển bằng cửa Thuận An, phá Tam Giang chạy dài khoảng 27 km với diện tích 5.200 ha. Trong hệ thống phá Tam Giang, đầm Hà Trung - Thủy Tú dài và hẹp với diện tích 3.600 ha, đầm Sam nhỏ hơn với 1.620 ha đều không thông ra biển. Đầm Cầu Hai lớn nhất, 11.200 ha, thông ra biển qua cửa Tư Hiền.
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là nơi giàu tài nguyên động vật và thực vật, được đánh giá là phong phú bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Số liệu điều tra gần đây cho thấy ở đây có tới 230 loài cá, 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 37 loại phù du động vật. Trong đó, 30 loại cá có giá trị kinh tế, chiếm 70% lượng khai thác hằng năm. Tam Giang - Cầu Hai có 34 loài chim di cư và 36 loại chim bản địa, tập trung ở các vùng cửa sông Ô Lâu, Đại Giang. |
Theo Kim Ngân (NLĐ)