Nhịp điệu cuộc sống
Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới
09:23 | 01/06/2015

Cùng với tiếng nói, trang phục là một di sản văn hóa truyền thống độc đáo, mang đặc trưng riêng rất dễ nhận biết của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, đặc biệt là dân tộc Tà Ôi, Pa Cô... 

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới
Trang phục thổ cẩm Zèng trong công sở

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, trang phục truyền thống của các dân tộc nói chung, của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới nói riêng đã không còn được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong đời sống, sinh hoạt thường ngày của người dân. Trước nguy cơ trang phục truyền thống của các dân tộc đang dần mai một, huyện A Lưới đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhiều cách làm mới, làm hay để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số huyện nhà.

Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa, trang phục riêng. Trang phục như một thứ “ngôn ngữ” biểu đạt những nét đặc trưng riêng, đặc sắc của từng dân tộc. Nhìn chung, trang phục truyền thống của các dân tộc huyện A Lưới đều được làm từ Zèng, nguyên liệu chính là sợi chỉ được dệt kèm theo các hạt cườm với hoa văn độc đáo, riêng biệt. Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công, được thực hiện trên khung cửi tự tạo và chủ yếu là do người phụ nữ làm. Mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đều có cách tạo hình trang trí và sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng của mình. Tuy nhiên, phải thật tinh tế mới phát hiện ra nét độc đáo, riêng biệt trong hoa văn, trang trí của từng dân tộc.

Thời đại công nghiệp hóa ngày nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn và gìn giữ các trang phục truyền thống của dân tộc. Để thuận tiện, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng thường mặc quần, áo giống như dân tộc Kinh. Các trang phục dân tộc thiểu số đang có xu hướng không được coi trọng trong đời sống hằng ngày, một số bộ phận có nguy cơ bị lãng quên, mất hẳn trong cuộc sống thời hiện đại. Một số người đã nhiều năm không còn dùng trang phục dân tộc trong sinh hoạt ngày thường, kể cả trong ngày lễ, tết; hội hè cũng không còn bóng dáng trang phục truyền thống, nhất là lớp trẻ.

Trước nguy cơ trang phục truyền thống của các dân tộc đang dần mai một, huyện A Lưới đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhiều cách làm mới, làm hay để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số huyện nhà.

Thực hiện Nghị quyết số 03/2014/NQ-HĐND10 ngày 03 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân huyện về việc "Bảo tồn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014-2020"; Thông báo số 477-TB/HU ngày 21 tháng 10 năm 2014 của Huyện ủy tại Hội nghị lần thứ 19, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa X; nhằm bảo tồn và phát huy trang phục thổ cẩm truyền thống, tạo nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hoá - Thông tin, Phòng giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, ban ngành…vận động công chức, viên chức, lao động, học sinh là người dân tộc thiểu số đồng loạt mang trang phục truyền thống 1ngày/tuần và vào các sự kiện quan trọng của ngành, ngày lễ, các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước, địa phương. Theo đó, Liên đoàn Lao động huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các công đoàn cơ sở vận động đoàn viên công đoàn là người dân tộc thiểu số mang trang phục truyền thống của dân tộc mình vào ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần.

Từ đầu năm 2015 đến nay, chủ trương này của UBND huyện đã được đông đảo công chức, viên chức, lao động và học sinh hưởng ứng. Trang phục Zèng thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện khắp nơi. Từ công sở đến trường học, trong các buổi hội nghị, hội họp, lễ, tết và cả trong đám cưới hiện đại.

Trang phục thổ cẩm được biến hóa, cách tân phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của người mặc. Vẫn giữ những nét hoa văn truyền thống, chất liệu truyền thống nhưng váy thổ cẩm của chị em công sở không dài đến mắt cá chân như các phụ nữ xưa mà được cắt may phù hợp để thuận tiện trong công việc. Các mẫu thiết kế có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với từng lứa tuổi, thị hiếu thẩm mỹ của người mặc....

Trong Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 5 được tổ chức năm 2013 tại Thành phố Huế, lần đầu tiên các nghệ nhân dệt zèng thổ cẩm ở A Lưới đã mang các khung cửi dệt từ huyện vùng cao, biên giới xuống thành phố Huế để giới thiệu sản phẩm nghề. Cũng vào dịp này, lần đầu tiên vải zèng thổ cẩm của A Lưới được trình diễn trên sân khấu thời trang qua bộ sưu tập có chủ đề “Sự biến đổi kỳ diệu” của Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh lấy cảm hứng từ những tấm vải zèng mộc mạc của người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Tại Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 6 năm 2015; ngoài Nhà thiết kế Minh Hạnh còn có thêm các nhà thiết kế khác cùng tham gia để giới thiệu những bộ sưu tập thời trang hiện đại mang tính đặc thù được thiết kế từ chất liệu vải dệt zèng thổ cẩm của người dân tộc thiểu số Tà Ôi lên sân khấu thời trang

Có thể thấy một dấu hiệu đáng mừng là sản phẩm dệt Zèng của các dân tộc thiểu số A Lưới đang lên ngôi, chinh phục được cả những nhà thiết kế nổi tiếng. Hiện nay nghề dệt thổ cẩm đang được quan tâm, đầu tư khôi phục, phát triển là tín hiệu vui trong công tác bảo tồn và giữ gìn trang phục truyền thống dân tộc ở huyện ta. Để bảo tồn các giá trị cũng như tính độc đáo của trang phục, thiết nghĩ ngoài việc phát huy giá trị sử dụng của trang phục trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển nghề dệt Zèng thủ công. Phát triển các hợp tác xã dệt Zèng và xa hơn là phát triển làng nghề dệt Zèng của huyện.

Theo Hà Thiên (aluoi.thuathienhue.gov.vn)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng