Nhân kỷ niệm 35 Ngày thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (16/9/1980-16/9/2015), Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi Toạ đàm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.
Tọa đàm đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các học giả với 06 bài tham luận tập trung vào những nội dung trọng tâm: Ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; những giải pháp góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà của Người đã để lại trên địa bàn tỉnh, biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới...
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã trao đổi về một số nội dung quan trọng liên quan đến việc nâng cao số lượng và chất lượng các tài liệu, hiện vật gốc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; nâng cao giáo dục đạo đức cách mạng và tư tưởng Hồ Chí Minh cho học sinh – sinh viên; các giải pháp nhằm phát huy giá trị Bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát triển du lịch tại Thừa Thiên Huế; các nội dung liên quan đến việc sưu tầm hiện vật tại bảo tàng...
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chính thức được thành lập vào ngày 16/9/1980 với tên gọi Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Trị Thiên, đến năm 1989, sau khi tách tỉnh, chính thức mang tên Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Năm 1982, Bảo tàng chính thức trở thành thành viên trong gia đình- hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn về khoa học và nghiệp vụ trên cơ sở những tư liệu, sự kiện về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người trong gần 10 năm ở Huế. Đó là thời kỳ từ năm 1895 đến 1901 (5-11 tuổi) với tên gọi Nguyễn Sinh Cung và thời kỳ thứ hai từ năm 1906-1909 khi Người đã ở tuổi thanh niên với tên gọi Nguyễn Tất Thành.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế còn lưu giữ khoảng 29 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 04 di tích được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, 5 di tích cấp Tỉnh. Đó là những di sản "vật thể" của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại. Bảo tàng hiện đang quản lý một tài sản vô cùng quý giá với gần 15.000 tài liệu hiện vật liên quan đến Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Bảo tàng đã xây dựng được phòng thông tin với hơn 2.000 tư liệu phục vụ nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh…
PV