Ngắm phòng triển lãm “& mưa” của Lê Văn Nhường, tôi rất thích hai bức tranh “Mưa 1” và “Mưa 4”. Đó là những bức tranh vẽ con nghê đá và tượng một vị quan trong đại nội đang trầm mặc trong mưa.
Mưa không còn là hiện tượng thiên nhiên vô tri vô giác nữa, mà mưa đã làm “mềm” lòng người, làm “mềm” cả tượng đá trăm năm. “Mưa ướt mềm trên Huế - Hoàng thành mưa lung linh”.
1 Anh bạn ngồi trong quán cà phê nhìn trời Huế đang mưa mà xuýt xoa: “Lần ni mình về Huế đúng ngay đợt mưa đầu mùa, coi như là gặp may. Mà ông có biết không, mưa Huế nó ngọt lắm! Hôm qua chạy xe trên đường Lê Lợi gặp ngay cơn mưa mù trời, nước mưa chảy vào miệng nghe ngọt làm răng...”. Tôi suýt phì cười về cái cảm giác của bạn bởi vì mưa ở đâu chẳng là mưa. Chợt nghĩ lại có khi bạn mình đúng, bởi mưa quê hương bao giờ cũng ngọt ngào cả, nhất là với một người đã sinh ra và lớn lên ngay bên dòng sông Hương như anh...
Hôm chia tay tiễn bạn trở lại nước Mỹ xa xôi, một đứa bạn gái trong nhóm cất lên câu hát: “Mưa ướt mềm trên Huế - Hoàng thành mưa lung linh”. Bài hát vừa dứt, anh nhìn ra khoảng sân bên ngoài đang mưa mà rằng: “Chao ôi, câu ni hay lắm thê: Mưa ướt mềm trên Huế... Ở đây mưa là nhạc mà nhạc cũng là mưa...”.
Tôi là công dân Huế, đi qua bao mùa mưa Huế mà không có cảm nhận như bạn - một người Huế xa quê. Có lẽ khi xa quê hương người ta càng thấm thía hơn những hương vị đất trời thiết thân đã níu giữ tâm hồn dù năm dù tháng. Những cơn mưa dầm xứ Huế có khi buồn thê thiết nhưng cũng là cõi nhớ lung linh cho những tâm hồn Huế tha hương...
2Ngôi chùa tọa lạc trên ngọn đồi làng Dương Xuân phía tây nam của Huế. Tôi vẫn thường đến chùa vào những ngày nghỉ và bao giờ cũng thấy tâm hồn thư thái hẳn đi qua những câu chuyện bên chén trà thơm của hòa thượng trụ trì chùa. Có lần ngồi đàm đạo, hòa thượng kể cho tôi nghe về chuyện mưa ở chùa... “Chú tiểu ở quê lên tu khi mới 10 tuổi. Đó là tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi. Nhớ mạ lắm, nhất là vào những đêm mưa. Tiếng mưa trong đêm khuya thanh vắng cùng với tiếng ễnh ương quanh vườn chùa nghe răng mà não ruột. Vậy mà khuya mô ba giờ sáng cũng phải dậy công phu kinh kệ cùng sư thầy.
Đọc được tâm trạng của chú tiểu, sư thầy xoa đầu nói: “Khi mô con tụng kinh mà nghe tiếng mưa ngoài hiên chùa cũng như là lời kinh con đang tụng thì con mới tu được. Ngoài kia là cõi nhân gian, trong này là cõi Phật, tu là biết lấy cái tâm mà hòa hợp được cõi nhân gian với cõi Phật...”.
Lời khuyên của sư thầy chính là cánh cửa để chú tiểu quyết chí tu hành. Phải đến hơn một năm sau, những buổi công phu khuya vắng, chú tiểu bỗng nghe tiếng mưa rơi thánh thót ngoài hiên hòa cùng tiếng chuông mõ và lời tụng kinh trong điện Phật. Tiếng mưa như tiếng kinh mà lời kinh cũng là lời mưa...”.
Mưa 1. Tranh: Lê Văn Nhường -P.T. |
3 Những ngày đầu tháng 10-2015, họa sĩ xứ Huế Lê Văn Nhường đã mở cửa phòng tranh “& mưa”. Tranh của Lê Văn Nhường mang vẻ đẹp thầm kín, u ẩn đúng như chất thâm trầm của mùa mưa xứ Huế. Xem triển lãm tranh về mưa Huế bỗng nhiên tôi lại nhớ về câu chuyện mưa khác cũng liên quan đến hội họa.
Có lần theo một người bạn họa sĩ, tôi về thăm ngôi nhà của cố họa sĩ Tôn Thất Đào ở bên kia cầu Gia Hội. Đó là một ngôi nhà rường cổ đặc trưng của Huế nhưng đã xuống cấp. Trong ngôi nhà dột nát, những bức tranh sơn dầu, sơn màu về những phong cảnh đẹp của xứ Huế người họa sĩ vẽ hơn cả nửa thế kỷ đã bị xuống màu, mục nát, bong tróc... Anh bạn họa sĩ giải thích: “Với khí hậu mưa nhiều rồi ẩm thấp, lụt lội của Huế, không thể tránh khỏi chuyện những bức tranh quý bị hư hỏng”.
Buồn thay, ngoài chị con dâu của cố họa sĩ thì chẳng ai nghĩ đến chuyện bảo quản những bức tranh này: “Tôi cũng không biết phải làm răng, chỉ có mỗi lần qua mùa mưa lạnh, đến khi trời nắng thì đem mấy bức tranh của ôn ra lật úp lại phơi nắng nhẹ, để nguội bay hơi rồi lại bỏ vào khung treo, tự làm vậy thôi chứ cũng không biết thế nào, làm được chừng mô hay chừng đó...”. Nghe lời của chị nói bỗng dưng tôi thấy mùa mưa Huế cũng đáng trách lắm...■
(*): Ca khúc Huế và em, tác giả: Nhật Ngân.
Theo TTCT