Nhịp điệu cuộc sống
Nghệ nhân "cứu" nhà rường Huế
10:11 | 05/11/2015

Hơn 60 năm làm nghề phục dựng nhà rường, nghệ nhân Nguyễn Màn (83 tuổi) ở thôn An Lỗ Tây, xã Phú Dương, H. Phú Vang (TT-Huế) là người duy nhất còn giữ nghề và nổi tiếng với nghề làm nhà rường.

Nghệ nhân "cứu" nhà rường Huế
Nghệ nhân Nguyễn Màn giới thiệu về những chi tiết hoa văn trên tấm bảng của nhà rường.

Gia đình nghèo khó nên ông Màn sớm phải bỏ học chữ để học nghề kiếm sống. Năm 20 tuổi, ông thành thạo công đoạn làm mới và phục dựng nhà rường, vừa làm thợ cho thầy vừa nghe ngóng khắp nơi có ông thầy nào giỏi để học thêm bởi theo ông,  mỗi người thầy đều có những cái hay, có những mẹo làm với nhiều mẫu mã riêng.

Không chỉ nghệ nhân ở Kim Long mà còn những vị thầy ở các làng mộc phố cổ Hội An, Đà Nẵng, Quảng Nam,... từ Bắc đến Nam khắp nơi đều có bóng dáng của người học trò Nguyễn Màn thời ấy. Ngoài 30 tuổi, ông Màn đã là nghệ nhân làm nhà rường nổi tiếng. Uy tín của ông được khách hàng khắp nơi trong nước biết và tìm đến nhờ phục dựng nhà rường. Đến nay, ông không còn nhớ rõ  mình đã "cứu sống" bao nhiêu ngôi nhà rường, chỉ biết rằng năm nào ông cũng làm thêm hai đến ba căn nhà mới dựng sẵn để bán hoặc cho thuê và vẫn miệt mài phục chế những căn nhà rường nếu ai cần đến.

Nhiều ngôi nhà rường không chỉ ở Huế mà ở Quảng Trị, Quảng Nam... đều được đôi tay ông phục dựng. Với nét kiến trúc dần mai một theo thời gian và cuộc sống, ông tìm tòi nghiên cứu để giữ lại những ngôi nhà rường cổ kính cho đời. Ông bảo: "Nhà rường Huế là một kiến trúc độc đáo khác biệt so với Nam và Bắc, cũng không giống với Hội An. Gỗ để làm nhà rường chủ yếu là gổ mít, gõ, ngói dùng để lợp thường là ngói Liệt, ngói Hài, ngói Hạ Long... giá của mỗi ngôi nhà cao hay thấp phụ thuộc vào chất liệu gỗ và kiến trúc nhà to hay nhỏ. Gỗ tốt thì kiến trúc mới tồn tại được lâu dài, gỗ không đạt sẽ mau hư"-ông Màn nói về nghề. Ông chia sẻ với chúng tôi về ngôi nhà đang phục dựng tại gia: "Phần khó nhất của ngôi nhà chính là làm sao cho cột gỗ vừa khít với lỗ khoan hình tròn ở thanh gỗ trên mái mà không có một khe hở. Điều đó làm nên nét riêng trong kiến trúc nhà rường của người nghệ nhân thôn An Lỗ Tây".

Không những thế, ông còn là tác giả của những công trình phục chế có giá trị như Điện Thái Hòa, Ngọ Môn, đình làng Dương Nổ (Phú Vang), làng cổ Phước Tích (Phong Điền), đình làng An Gia (Quảng Điền), chùa Ba La Mật (TP Huế)... Ông luôn nặng lòng suy nghĩ phải làm được gì đó khi nhìn thấy nét đặc trưng của mảnh đất cố đô dần mất đi. Ông đã hướng cho ba người con trai theo nghiệp phục dựng nhà rường là Nguyễn Hữu Đỉnh (55 tuổi), Nguyễn Hữu Lanh (51 tuổi) và Nguyễn Hữu Lẻ (48 tuổi). Hiện tại các con ông vẫn phát huy được nét nghệ thuật được ông truyền lại, khi được nhiều người trong và ngoài tỉnh mời phục dựng nhà rường. Cả đời gắn bó với mảnh đất thân thương này, nghệ nhân Nguyễn Màn chỉ mong góp một phần sức mình lưu giữ cái "hồn" cho nét kiến trúc nhà rường xứ Huế mãi trường tồn.

Theo cadn.com.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng