Nhịp điệu cuộc sống
Gặp người làm sống lại nghệ thuật pháp lam Huế
08:11 | 15/01/2016

“Pháp lam có giá trị về mỹ thuật, giá trị văn hóa lịch sử, đặc trưng riêng của Huế nếu mất đi thì quá tiếc. Mình làm công tác bảo tồn nên có nhiệm vụ đưa nó trở về lại nguyên bản, khôi phục lại. Dần dần phát triển pháp lam trở thành một nghề cho tới bây giờ”, anh Đỗ Hữu Triết chia sẻ.

Gặp người làm sống lại nghệ thuật pháp lam Huế

Tìm về với pháp lam đã thất truyền

Đỗ Hữu Triết tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Vật lý. Nhưng anh không đi theo con đường ban đầu mình chọn với sự nghiệp học hành mà tốt nghiệp xong, anh làm ở Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế về mảng nghiên cứu vật liệu.

Nhiều người nghiên cứu về kĩ thuật pháp lam nhưng vẫn chưa thành công. Với nhiệt huyết của một sức trẻ mới ra trường đã thôi thúc anh bùng lên ngọn lửa đam mê, háo hức nghiên cứu về pháp lam.

“Lúc đó tôi làm ở phòng thí nghiệm, kĩ thuật pháp lam đã bị thất truyền. Tôi phải từng bước nghiên cứu lại về pháp lam, hoàn thiện dần dần, từ những bước cơ bản nhất đến những bước cao hơn. Tôi đã dùng nó làm đề tài Thạc sĩ ngành Vật lý của mình. Đó là cái duyên của nghề dẫn tôi đến với pháp lam”, anh Hữu Triết chia sẻ.

Anh mất 5-7 năm để nghiên cứu về pháp lam và hoàn thiện nó. Giai đoạn mới bắt đầu nghiên cứu về pháp lam, anh phải tự mình mày mò tìm hiểu, sưu tầm tư liệu. Anh nhớ lại: “Lúc đó, hầu như không có người dẫn đường, chỉ dẫn cho mình vì pháp lam nó thất truyền gần như tuyệt đối rồi”.

Sau khi đã ủ mầm cho mình được một vốn kiến thức nền tảng ban đầu, Hữu Triết đi sâu nghiên cứu về pháp lam, dựa trên những phương pháp vật lý để phân tích bản chất, phương pháp kĩ thuật để thử nghiệm làm pháp lam trên phương diện phòng thí nghiệm.

Những nỗ lực để làm sống dậy một pháp gần như bị thất truyền đã giúp anh bảo vệ xuất sắc luận án tốt nghiệp đề tài thạc sĩ về pháp lam của mình.

Đỗ Hữu Triết, hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng, đây là công ty duy nhất ở Việt Nam nhận được hợp đồng phục chế pháp lam trong các cung điện của nhà Nguyễn. Anh là người đã chuyển tải những hoài niệm về nền văn hóa Cố đô thành những sản phẩm tinh xảo bằng pháp lam.

Thành công nối tiếp thành công, Hữu Triết đã mạnh dạn ứng dụng những kết quả phòng thí nghiệm để đưa ra thực tế, cho ra những sản phẩm về bảo tồn, thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật, trang trí nội ngoại thất phát triển tới tận bây giờ.

Anh tâm sự: “Cả ba giai đoạn trong quá trình phục dựng pháp lam đều thú vị và quan trọng như nhau. Tôi xem quá trình đến với pháp lam như một bài toán thách đố. Mình phải có động lực nghề nghiệp, đam mê để theo đuổi nó đến cùng”.

Phục chế pháp lam là một nghệ thuật

Phục chế là làm những sản phẩm thay thế giống nguyên bản để mang vào thay thế cho những sản phẩm đã hư hỏng trong những công trình cổ, như những bức họa trong di tích, những con rồng trang trí trên mái ngói, những bình chóe, hồ lô làm theo đơn đặt hàng của di tích.

Đôi đèn pháp lam kỷ lục do Th.s Đỗ Hữu Triết và Công ty TNHH Thái Hưng thực hiện. Đây là một trong hai đèn tại tại công viên Tứ Tượng, Thành phố Huế. Ảnh Thanh Nhàn

Phục chế pháp lam không phải đơn giản. Anh Đỗ Hữu Triết chia sẻ: “Người phục chế phải đáp ứng tiêu chí của ngành bảo tồn, từ kĩ thuật nung, kĩ thuật điều chế men, kĩ thuật chế tác đồng, đi sâu hơn là pha trộn màu sắc, độ bóng của màu, cao hơn nữa là độ bền của màu, cảm xúc của màu. Làm một sản phẩm ra mà nhìn giống nhưng nó trơ trơ, vô hồn thì xem như thất bại. Sản phẩm làm ra phải giống 90% so với phiên bản gốc”. Phục chế pháp lam là một nghệ thuật. Vì thế, người phục chế pháp lam là một nghệ sĩ.

Mỗi sản phẩm pháp lam làm ra có hai yếu tố chính về kĩ thuật và về tinh thần. Yếu tố về kĩ thuật thì không khác gì nhau, có chăng là sự khác nhau về trình độ, tùy thuộc vào trình độ của từng địa phương, từng dân tộc.

Pháp lam (hay đồ đồng tráng men) là những sản phẩm được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ..

Còn về tinh thần pháp lam thì hoàn toàn khác biệt. Nó chứa đựng kinh nghiệm, nếp sống văn hóa, thói quen, suy nghĩ… tạo nên sự khác biệt ở sản phẩm cho mỗi vùng.

Mỗi nghề phải thích ứng, phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Pháp lam Huế ngày xưa dùng cho cung đình thì bây giờ chủ yếu dùng cho công tác bảo tồn.

Pháp lam ngày nay được sử dụng cho những công trình tương tự như chùa chiền, nhà thờ, biệt thự, khách sạn... Những công trình cần đẹp cần sang thì pháp lam mang đến một vẻ đẹp sang trọng hiệu quả cho nét kiến trúc ở đó.

“Người Huế có nét riêng của người Huế. Pháp lam Huế sẽ khác so với pháp lam ở Hà Nội, Sài Gòn hay những nơi khác. Pháp lam của ta học từ Trung Quốc về nhưng về với bàn tay của người việt sẽ thành pháp lam Việt. Tùy theo cách suy nghĩ của mỗi người để cho ra những sản phẩm khác nhau”, Hữu Triết bộc bạch.

Theo Pháp Luật Plus

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng