Nhịp điệu cuộc sống
Hội thảo khoa học “Nguyễn Cư Trinh – Quê hương, Thời đại và Sự nghiệp”
08:55 | 21/01/2016

Sáng ngày 20/01, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Nguyễn Cư Trinh - Quê hương, Thời đại và Sự nghiệp” nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Ông. 

Hội thảo khoa học “Nguyễn Cư Trinh – Quê hương, Thời đại và Sự nghiệp”

Tham dự Hội thảo có Tham dự có PGS. TS Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh TT Huế; PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và đông đảo các nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767), người ở xã An Hòa, tổng An Hòa, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (nay thuộc thành phố Huế). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học, từ nhỏ Ông nổi tiếng hay chữ. Năm Canh Thân (1740), Ông thi đỗ Hương cống, được bổ làm Tri phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, sau đó giữ chức Tuần phủ Quảng Ngãi, Ký lục dinh Bố Chính (Quảng Bình), sau đến Lại bộ Kiêm Tào sứ vận, tước Nghi Biên hầu. Năm 1753, Ông sang Chân Lạp, đánh Nặc Nguyên, thu đất đai cho Chúa Nguyễn; năm 1765, Ông được Chúa Nguyễn gọi về Kinh nắm Lại bộ. Năm 1767, Ông mất và được truy tặng Tá lý công thần, Vinh lộc đại phu, thụy Văn Định…

Hội thảo đã nhận được 22 bài viết, bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh, trong đó 06 bài nghiên cứu tiêu biểu được trình bày tại hội thảo. Trong các bài tham luận, các nhà nghiên cứu làm rõ và bổ sung thêm nhiều vấn đề về quê hương, gia thế, về sự nghiệp chính trị, ngoại giao, văn hóa, văn chương… để nhận diện, đánh giá đầy đủ, xác đáng về danh nhân Nguyễn Cư Trinh. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử và văn hóa Nguyễn Cư Trinh đối với tỉnh Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương liên quan.

Đánh giá về sự nghiệp của ông, PGS. TS Đỗ Bang cho rằng “ Nguyễn Cư Trinh là một danh nhân đất nước tiêu biểu của xứ Đàng Trong, hiếm có người văn võ song toàn, tài đức trọn vẹn, sáng suốt và dũng khí trong việc hoạch định kế sách cũng như khi đấu tranh tại triều đình và ông đã thành công. Sự nghiệp của ông đã để lại nhiều giá trị về di sản lãnh thổ, kinh tế, dân sinh, văn hóa, thơ văn, khí chất của kẻ sỹ. Kế sách giữ nước, trị quốc và mở cõi của ông là bài học vô giá cho muôn đời sau”.

Theo www.thuathienhue.gov.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng