Nhịp điệu cuộc sống
Hội thảo khoa học “Pháp luật về các tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam”
08:34 | 27/01/2016

Tại trường Đại học Luật Huế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Trường Đại học Luật - Đại học Huế đồng tổ chức hội thảo "Pháp luật về các tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam".

Hội thảo khoa học “Pháp luật về các tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam”

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo về Pháp luật về tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, cũng như cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ các nội dung liên quan đến Dự thảo Luật về Hội của Việt Nam. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều khẳng định: Quyền lập hội không chỉ được ghi nhận trong pháp luật quốc gia mà còn được ghi nhận trong pháp luật quốc tế. Đó là các văn bản: Công ước châu Âu về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, Tuyên bố chung về nhân quyền, Hiệp ước quốc tế về các quyền chính trị và công dân. Ở đa số các nước, quyền này được quy định trong Hiến pháp hoặc  luật. Do được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nên quyền lập hội ở những nước này nhìn chung được bảo đảm trên thực tế.

Các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận nhiều nội dung và đưa ra nhiều ý kiến góp ý tích cực đối với dự thảo Luật về Hội của Việt Nam. Các đại biểu cho rằng sự cần thiết của việc ban hành Luật mới về Hội là rõ ràng; để đảm bảo việc thực hiện các quyền của công dân trong việc thành lập các hội, và phát huy vai trò của các hội cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Ông Scott Ciment, Cố vấn chính sách của UNDP về Pháp quyền và tiếp cận công lý cho rằng: "Luật về Hội là một trong những phần quan trọng nhất của luật pháp đang được xây dựng. Nó sẽ chi phối cách thức đăng ký và hoạt động hợp pháp của các tổ chức xã hội dân sự, có thể là các hiệp hội thương mại, và các nhóm phi lợi nhuận tại Việt Nam. Việc thu thập các phản hồi từ công dân và các hiệp hội hiện hành ở cấp địa phương sẽ giúp Chính phủ hiểu được những khó khăn đang tồn tại hiện nay của các hiệp hội trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội tại địa phương. Những phản hồi của họ sẽ giúp Chính phủ dự thảo một phiên bản cuối cùng của luật nhằm trao quyền cho các tổ chức xã hội dân sự và đưa ra những quy tắc rõ ràng và đơn giản hóa việc đăng ký và hoạt động trên toàn quốc và tại địa phương của các tổ chức này".

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo tương tự nhằm tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với Dự thảo Luật về Hội để tổng hợp làm dữ liệu để xây dựng báo cáo góp ý gửi đến các cơ quan hữu quan trước khi Luật về Hội được thông qua.

Lê Tân

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng