Qua gần 2 năm thực hiện Quyết định số 48/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh TT-Huế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.237 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 452 nhà ở xây dựng mới và 785 nhà ở cải tạo, nâng tầng.
Ông Lê Quang Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng TT - Huế cho biết, thực hiện Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh và Công văn số 2913/BXD - QLN ngày 14/12/2015 của Bộ Xây dựng về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quyết định số 48/QĐ-TTg. UBND tỉnh đã kịp thời tổ chức Hội nghị triển khai tập huấn cho các địa phương có người nghèo hưởng lợi. Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể công tác trình tự thủ tục triển khai thực hiện Quyết định để UBND tỉnh phê duyệt. Theo đề án, toàn tỉnh có 3.508 hộ được hưởng lợi, trong đó có 1.478 hộ cư trú ở những vùng không khó khăn và 1.626 hộ ở vùng khó khăn, các hộ cư trú ở các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ có 404 hộ, tổng vốn thực hiện gần 100 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 47 tỷ đồng, vốn vay tín dụng và nguồn khác hơn 52 tỷ đồng. Qua rà soát của các địa phương đã bổ sung thêm 398 hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt, trong đó có 226 hộ không nằm trong vùng khó khăn, ở vùng khó khăn có 102 hộ và 70 hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, với tổng số vốn ngân sách Trung ương bổ sung hơn 5,2 tỷ đồng.
Chương trình được phân kỳ thực hiện, trong đó năm 2014 (20%), với 701 hộ, kinh phí gần 20 tỷ đồng. Năm 2015 (40%), với 1.403 hộ, kinh phí gần 40 tỷ đồng. Năm 2016 (40%), với 1.802 hộ, kinh phí hơn 51 tỷ đồng, bao gồm số hộ bổ sung vào đề án.
Quá trình triển khai đề án, Sở Xây dựng TT - Huế đã phối hợp với Tổ chức Hội thảo Phát triển Pháp (DWF) nghiên cứu, thiết kế bốn mẫu nhà ở điển hình phù hợp với địa phương, tổ chức tập huấn các mẫu thiết kế để hướng dẫn các hộ dân lựa chọn mẫu thiết kế xây dựng nhà ở. Trong đó, mẫu kết hợp với nhà truyền thống 3 gian; Cải tạo nhà truyền thống 3 gian; Cải tạo nhà liền kề; Xây dựng mới một không gian phòng tránh lũ cạnh nhà đã có sẵn.
Khi Bộ Tài chính có văn bản tạm cấp kinh phí hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. UBND tỉnh TT-Huế đã phân bố kinh phí cho các địa phương triển khai dự án. Trong đợt 1, đã phân bố hơn 6 tỷ đồng, hỗ trợ cho 435 hộ nghèo ở huyện Phú Vang và Quảng Điền để triển khai thí điểm. Đợt 2, đã phân bố hơn 4,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 326 hộ được phân bố đều cho các huyện. Đợt 3, đã phân bố hơn 20 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.474 hộ. Đến đầu tháng 01/2016 có 1.237 hộ nghèo đã triển khai chương trình, tương đương 32% so với số lượng nhà ở đã được phê duyệt tại đề án của tỉnh (đạt 55% với kinh phí Bộ Tài chính đã giải ngân). Trong đó có 452 nhà ở xây dựng mới và 785 nhà ở cải tạo, nâng tầng, với tổng vốn giải ngân hơn 63 tỷ đồng.
Kiểm tra thực tế các nhà được xây theo đề án, về chất lượng nhà ở, vật liệu làm nhà ở, diện tích đều đảm bảo theo các tiêu chí của Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg. Kết cấu móng, khung, sàn, mái bằng vật liệu cứng với móng trụ và trụ bằng bê tông cốt thép, móng tường bằng đá, bờ lô; tường xây gạch hoặc bờ lô; sàn bằng bê tông cốt thép hoặc gỗ. Diện tích nhà ở đủ điều kiện sinh hoạt và có diện tích sàn tối thiểu là 10m2.
Nhiều hộ dân cho biết, các hộ được hưởng lợi dự án đều là hộ nghèo không có nghề nghiệp, thu nhập thấp, không ổn định nên xây dựng nhà theo thiết kế mẫu gặp khó khăn về nguồn vốn. Mỗi hộ ở các xã bãi ngang được Nhà nước hỗ trợ và vốn vay ở mức 29 triệu đồng, những xã khác được hỗ trợ và vay 27 triệu đồng là quá thấp. Trong khi đó giá vật liệu, nhân công ngày càng tăng cao, một số hộ ở vùng thấp trũng nền móng phải đôn cao, kinh phí cũng tăng cao khiến nhiều hộ nghèo không đủ điều kiện để tiếp nhận hỗ trợ xây dựng nhà theo đúng các quy định của chương trình.
Trao đổi với ông Lê Quang Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế cho biết, qua kiểm tra nhà ở của một số hộ dân tồn tại nhiều dạng, xuống cấp nên khi tháo dỡ, sửa chữa các cấu kiện liên kết phải sửa chữa nhiều, tốn nhiều kinh phí. Một số hộ nghèo thuộc hộ già cả, neo đơn không đủ khả năng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vì thế rất khó khăn để xây dựng nhà ở theo đúng thiết kế mẫu. Một số hộ quá khó khăn nên tự nguyện viết đơn xin rút ra khỏi chương trình. Phía ngân hàng chính sách xã hội luôn đảm bảo nguồn vốn tạo điều kiện thuận lợi cho người được hỗ trợ nhà ở theo đề án vay và giải ngân kịp thời. Tuy nhiên, tâm lý người nghèo ngại vay, nên còn một số hộ nghèo chưa đăng ký vay vốn.
Theo Báo Xây dựng