Những ngày cuối năm, người dân các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên-Huế như làng nghề mứt phường Kim Long, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên hay tranh làng Sình lại tất bật như vào hội.
Nằm ở phía hạ lưu sông Hương, làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế nổi tiếng về nghề truyền thống làm hoa giấy. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, hoa giấy Thanh Tiên đã trở thành một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và các tỉnh lân cận. Hoa giấy đặt trên bàn thờ gia tiên, tế lễ đình chùa, thờ phụng trong những ngày Tết. Hiện, ở làng Thanh Tiên có trên 30 hộ dân làm nghề hoa giấy. Ông Nguyễn Hóa, Trưởng thôn Thanh Tiên cho biết: Dịp Tết, bình quân mỗi gia đình ở Thanh Tiên làm từ 2.000 đến 3.000 cặp hoa, mỗi cặp hoa có giá từ 7.000 đến 10.000 đồng. “Nghề hoa giấy làng Thanh Tiên này có từ lâu đời rồi, cách đây 300 năm. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, bà con tranh thủ ngoài ruộng vườn làm hoa giấy để thêm thu nhập trong gia đình. Ngày công thu nhập hoa giấy truyền thống này không cao nhưng giữ gìn cái nghề truyền thống, đồng thời cũng tôn vinh nét đẹp truyền thống của làng quê” – ông Hóa chia sẻ. Gác lại công việc đồng áng, người dân làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang cũng hối hả làm tranh dân gian phục vụ Tết Nguyên đán. Gần 500 năm tồn tại, tranh dân gian làng Sình chủ yếu phục vụ tín ngưỡng thờ cúng vào ngày rằm, mồng một và Tết cổ truyền. Tranh cúng rất đa dạng, từ tranh nhân vật đến tranh đồ vật. Tranh dân gian làng Sình chủ yếu được in theo các khuôn bằng gỗ đã khắc sẵn rồi tô màu. Nghệ nhân dân gian Kỳ Hữu Phước, người hơn 60 gắn bó với nghề tranh làng Sình cho biết: Ngoài làm tranh phục vụ thờ cúng, gần đây người dân còn in tranh dân gian trang trí và làm lịch treo tường trên giấy gió phục vụ du lịch. “Tranh làng Sình chủ yếu là để thờ cúng, người ta mua về cúng, cúng xong thì họ đốt. Năm nào cũng vậy, tới dịp gần Tết thì cung không đủ cầu. Không những ở Huế mà từ Quảng Bình, Quảng Trị rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi đều có tranh làng Sình” - ông Phước chia sẻ. Làng nghề mứt gừng ở Kim Long, Thành phố Huế cũng tất bật vào vụ. Từ lâu mứt Kim Long nổi tiếng nhờ "bí quyết" riêng. Tất cả các khâu từ chọn gừng, thái lát, rim đường cho đến than lò đều rất quan trọng. Gừng trồng tại Huế nhỏ củ nhưng thơm nồng nên rất đắt hàng. Ông Trương Đình Thử, một trong những người có thâm niên hơn 50 năm làm nghề mứt truyền thống ở Kim Long cho biết: Vào dịp này, các cơ sở sản xuất mứt gừng ở phường Kim Long đồng loạt “đỏ lửa”. Ông Thử cho hay: “Mứt gừng Kim Long đặc biệt do làm từ gừng ở Huế, rất thơm ngon, không pha lẫn mùi vị gì hết. Nhưng giờ các nơi làm mứt gừng mọc lên nhiều nên mình đây cầm chừng lại. Tôi năm ngoái làm 3-4 tấn nhưng năm nay chắc làm ít lại. Cái nghề mình không bỏ được, nhiều ít cũng làm cho vui ngày Tết, rồi có thu nhập nữa”. Theo vovgiaothong.vn |
|