Nhịp điệu cuộc sống
Tái hiện Lễ cưới truyền thống của dân tộc Pa cô – Thừa Thiên Huế
08:34 | 28/06/2016

Trong khuôn khổ các hoạt động "Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc vùng Bắc Trung Bộ" được tổ chức nhân “Ngày Gia đình Việt Nam” năm 2016 tại “ Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, sáng ngày 26/6/2016, cộng đồng dân tộc Pa cô đến từ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tái hiện lại Lễ cưới của cộng đồng dân tộc mình.

Tái hiện Lễ cưới truyền thống của dân tộc Pa cô – Thừa Thiên Huế

Theo già làng Hồ Viên Pưa đến từ thôn A Hưa, xã Nhâm, huyên A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, lễ cưới hỏi là một nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Pa cô. Người Pa cô từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi sang thế giới bên kia đều phải trải qua những nghi lễ nhất định theo tập tục truyền thống, những nghi lễ vòng đời thể hiện sự nâng niu, trân trọng hình hài, hồn vía mà các vị giàng, thần linh ban tặng, cầu mong cho con người sinh ra, lớn lên được khoẻ mạnh và trường thọ.

Vì vậy, nghi lễ vòng đời của người Pa cô thể hiện sự chặt chẽ, trình tự, cung kính gồm: Lễ gia nhập thành viên mới của gia đinh, sau khi rụng rốn; Lễ tạ ơn vị thần Cợt đã ban tặng đứa con, sau khi đứa con được một tháng; Lễ gọi hồn khi ốm đau, gặp nạn trong suốt đường đời; Lễ xuất gia khi con gái đi lấy chồng; Lễ cưới hỏi cho con trai, con gái; Lễ nhập gia khi cưới con dâu về; Lễ tiễn linh hồn lên trời và đám tang khi con người qua đời; Lễ cải táng. Trong đó, Lễ cưới hỏi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong nghi lễ vòng đời.

Đối với người Pa cô, khi con trai, con gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng, cha, mẹ , anh em họ tộc bắt đầu chuyển bị các lễ vật truyền thống như: con trai thì cần Tiền, vàng, bạc, bò, heo…con gái thì các lễ vật như: Dèng, chiếu A lơơq, gạo, đặc sản các loại gà, vịt, cá… số lượng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình.

Trước khi diễn ra lễ cưới chính thức gồm có các nghi lễ sau:

Lễ báo cáo cho bố mẹ: Đây là nghi lễ thể hiện sự kính trọng của con cái đối với các bậc sinh thành, báo cáo bố mẹ biết đứa con của mình đã có sự quyết định trong hôn nhân và để chuẩn bị các lễ vật liên quan đến việc cưới hỏi của con.

Đám hỏi: Đây là nghi lễ mang tính quyết định, để đôi trẻ tiến tới hôn nhân, hai bên gia đình kết tình thông gia, nhà trai mang theo lễ vật như: tiền, vàng, bạc, hạt mã não,.. Nhà gái chuẩn bị sẵn một mâm cơm thân mật đón nhà trai và một tấm dèng để nhận lời. Sau khi vào nhà, nhà trai ra mắt nhà gái bằng cách dọn một mâm cỗ mà nhà trai đã chuẩn bị sẵn, trong mâm có thịt heo, trâu, bò, dê và rượu. Nhà trai phải mời nhà gái dùng mâm cỗ trước khi thưa chuyện.

Để thể hiện phép lịch sự, đại diện bên nhà gái mở lời trước cho nhà trai thưa chuyện. Nhà trai bắt đầu thưa chuyện và trao cho đại diện nhà gái lễ vật xin phép nhà gái gả con gái cho nhà trai. Nhà trai trao lễ vật cho cô dâu, lễ vật này giá trị lớn hơn lễ vật chạm ngõ, nhà gái nhận lời và báo cáo cho nhà trai biết để chuẩn bị các lễ vật bắt buộc liên quan đến phong tục tập quán, nhà trai nhận lời và hai bên gia đình ấn định thời gian cho lễ cưới chính thức. Sau khi mọi việc xong xuôi, nhà gái mới dọn mâm cỗ để tiếp đón nhà trai.

Một tuần sau lễ hỏi, lễ cưới chính thức được tổ chức. Đối với người Pa cô lễ cưới diễn ra gồm hai bước: Đám cưới tại nhà trai và đám cưới tại nhà gái.

Đám cưới tại nhà trai: Sáng sớm, trước khi đưa con gái về nhà chồng, nhà gái làm lễ xuất gia và báo cáo tổ tiên biết là cháu gái đã đi lấy chồng, mong tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Nhà gái mang theo một số lễ vật đại diện như: Dèng, gà luộc, gói xôi để tiễn con về nhà chồng, cô dâu choàng thêm bên ngoài một tấm dèng gọi là “Pâr lang” để tránh những điều xui xẻo trên đường về nhà chồng.

Mẹ chồng sẽ chờ sẵn ở cổng để đón con dâu, đồng thời cởi luôn tấm dèng từ cô dâu và đeo cho cô dâu chuỗi cườm để đón nhận con dâu hiền. Sau khi nhà gái vào nhà, nhà trai tiến hành làm lễ nhận thông gia, từ nay hai bên gia đình trở thành thông gia, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn và lễ vật đại diện mà nhà gái mang theo cũng được trao luôn cho nhà trai trong nghi lễ này.

Sau khi bên nhà gái thưởng thức bữa tiệc, nhà trai tiếp tục thực hiện nghi lễ quan trọng nhất trong ngày cưới đó là nghi lễ Pâr choo, Târ leh (Lễ tiễn khách, Lễ trao lễ vật và của hồi môn). Người Pa cô tiến bộ không còn thách cưới như ngày xưa nữa, nhà trai cho bao nhiêu của hồi môn thì lấy bấy nhiêu nhưng riêng lễ vật liên quan đến phong tục tập quán thì bắt buộc nhà trai phải lo bằng được theo số lượng quy định, còn trọng lượng thì tùy theo điều kiện của nhà trai.

Nghi thức trao của hồi môn cho nhà gái được thực hiện lần lượt: Trao cho bố mẹ cô dâu để tạ ơn công sinh thành, dưỡng dục cô con gái lớn khôn, ngoan hiền; Trao cho anh, chị cả của cô dâu là để gửi gắm quan tâm chăm sóc, thăm nom, dạy bảo em gái thường xuyên những khi đau ốm hay khỏe mạnh; Trao cho chủ họ để tạ ơn đã lo lắng, đỡ đần cả vật chất lẫn tinh thần cho nhà thông gia trong việc cưới hỏi.


Sau phần trao của hồi môn, hai bên thông gia đối đáp bằng những câu hát: Nhà gái mong bên thông gia dạy dỗ khuyên răn để con gái trưởng thành hơn và biết điều trong cuộc sống hằng ngày bên gia đình chồng. Còn nhà trai cảm ơn nhà gái đã gửi gắm cô dâu, sẽ xem con dâu như con gái của mình, sẽ luôn yêu thương, đùm bọc nhau.

Sau khi kết thúc lễ cưới tại nhà trai, nhà gái định thời gian để tổ chức lễ cưới thứ hai tại nhà gái. Đêm đầu tiên con dâu về nhà chồng, cha mẹ chồng thực hiện các nghi thức để cầu cho đôi vợ chồng tình cảm mặn nồng, hạnh phúc, sinh con đẻ cái khỏe mạnh, từ nay vợ chồng mới cưới được phép làm vợ chồng chính thức. Đôi vợ chồng mới cưới ngồi ăn chung một chén cơm và hai quả trứng gà đã luộc sẵn cầu mong đôi vợ chồng mãi mãi hạnh phúc đến đầu bạc răng long.
Đám cưới tại nhà gái: Một tuần sau lễ cưới tại nhà trai, nhà gái lại tiến hành tổ chức đám cưới tại nhà gái. Đến dự lễ cưới tại nhà gái, nhà trai chuẩn bị lễ vật và của hồi môn khá tươm tất để thể hiện sự tôn trọng đối với nhà gái và lòng tự trọng của nhà trai, vì vậy, họ mang theo một con heo to và kèm theo của hồi môn khác.

Trong lễ cưới này, người đi vào nhà đầu tiên phải là cô dâu, cô dâu mang theo một chiếc đũa bếp, vừa lên cầu thang đồng thời thả chiếc đũa đó xuống dưới cầu thang, có nghĩa từ nay con gái và con rể mới được phép vào nhà bố mẹ, muốn lui tới thăm nom cha mẹ thì không còn kiêng cữ nữa. Tiếp đó, các nghi lễ diễn ra tương tự như đám cưới bên nhà trai.
Sau lễ cưới chính thức, khoảng một năm sau, nhà trai lại tổ chức nghi lễ “Pâr đâyh a mânh” với ý nghĩa để hai bên gia đình qua lại thuận lợi, giúp đỡ nhau trong công việc lớn hay thường ngày. Trong khoảng 20 năm sau ngày cưới, nhà trai lại thực hiện nghi lễ “Pa nâyq plô” (chấm dứt của hồi môn) với ý nghĩa nhà trai muốn báo cáo với nhà gái, bên thông gia nhà trai đã tuổi cao, sức yếu không còn đủ sức để giúp đỡ về vật chất nữa, mong thông gia nhà gái thông cảm. Từ nay về sau, việc đỡ đần vật chất giao cho con trai và con dâu lo liệu, còn thông gia chỉ giúp đỡ mặt tinh thần mà thôi. Đây cũng là nghi lễ cuối cùng trong lễ cưới của một đời người và cũng là nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời của người Pa cô.

Lý giải về việc chọn Lễ cưới của cộng đồng dân tộc Pa cô để tái hiện trong khuôn khổ các hoạt động "Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc vùng Bắc Trung Bộ" được tổ chức tại “ Làng” – Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý khu các làng dân tộc cho biết, việc chọn Lễ cưới truyền thống của dân tộc Pa cô để tái hiện lần này là vì bà con Pa cô ở huyện A Lưới có những lễ hội, các nghi thức liên quan đến vòng đời rất đặc sắc. Nơi đây còn là vùng đất cách mạng giàu truyền thống. Do đó việc lụa chọn này vừa có ý nghĩa tri ân và khơi dậy lòng tự hào của vùng đất có truyền thống lịch sử cách mạng lâu đời. Đây cũng là dịp để bà con đến với " Ngôi nhà chung" để gặp gỡ và giao lưu với các cộng đồng dân tộc khác để tạo sự gắn kết, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc./

 

Theo dulichvn.org.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng