Lễ hội truyền thống điện Huệ Nam tháng 7 năm 2016 vừa được tiến hành tổ chức với hàng trăm chiếc thuyền bằng (thuyền kết đôi) được trang trí với cờ phướn, hương án đủ màu sắc đã hành hương về điện Huệ Nam. Các lễ lần lượt được cử hành trang trọng theo đúng nghi lễ truyền thống, đặc sắc với các làn điệu chầu văn xứ Huế.
Diễn ra từ ngày 10 - 12/08 (nhằm ngày mồng 8 đến mồng 10 tháng 7 năm Bính Thân), Lễ hội điện Huệ Nam là lễ hội dân gian truyền thống gắn với di tích điện Huệ Nam và đình làng Hải Cát được xem như là một Festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, là một địa chỉ hấp dẫn cho du khách thập phương ở mọi lứa tuổi khi tìm hiểu không chỉ về lịch sử, tôn giáo mà còn cả danh thắng và con người xứ Huế.
Theo truyền thuyết, núi Hòn Chén là nơi Thánh Mẫu Thiên Y A Na xuất hiện để cứu độ chúng sinh. Chính vì sự linh ứng của bà, do đó qua nhiều đời vua triều Nguyễn, luôn nhận được các sắc phong ca ngợi công đức và sự linh ứng của bà. Thời Gia Long đã sắc phong cho bà danh hiệu "Hồng Nhân Phổ Tế linh ứng thượng đẳng thần". Thời Minh Mạng đã tiến hành cho tu sửa, mở rộng đền và sắc phong "Thượng đẳng thần". Đến năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851), bà được phong là "Thượng đẳng tối linh thần". Dưới triều Đồng Khánh (năm 1886), đền được xây dựng khang trang hơn, bổ sung thêm nhiều đồ tự khí rồi đổi tên là "Huệ Nam điện". Từ đó đến nay, các cuộc tế lễ đã được nâng lên thành quốc lễ. Ban đầu, mỗi năm vào dịp xuân thu nhị kỳ, triều đình cử quan chức đến làm chủ tế, sau giảm xuống chỉ còn vào dịp tế xuân, đầu tháng 2 âm lịch. Năm Duy Tân thứ 3 (1909), bà lại được sắc phong danh hiệu "Thiên Y Ana Ngọc Diễn Phi tối cao đẳng thần". Hiện nay, hàng năm vào mỗi tháng hai (lễ Xuân Tế) và tháng bảy (lễ Thu Tế), người dân nơi đây lại tổ chức Lễ Hội suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu tại ngôi điện nằm trên núi Ngọc Trản bên bờ sông Hương, nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Lễ hội này không chỉ dành cho những tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo mà còn là của những người theo đạo thờ mẹ, đạo hiếu, đạo làm người.
PV